Hà Nội “ ngộp thở” bởi chung cư, cao ốc.
Đầu tư - Ngày đăng : 10:00, 11/10/2019
(BKTO) - Theo Báo cáo mới đây về việc thi hành Luật Thủ đô của Chính phủ, Thủ đô Hà Nội đang bị “ngộp thở” do mật độ dày đặc các chung cư, cao ốc. Ở những khu vực nội đô, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng, tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội.
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (khai mạc ngày 21/10), Chính phủ đã gửi Quốc hội báo cáo về việc thi hành Luật Thủ đô. Theo đánh giá trong báo cáo, qua 6 năm thi hành Luật Thủ đô, Hà Nội dần phát huy được vị thế, vai trò, tạo động lực phát triển, sức mạnh lan tỏa, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác, hỗ trợ các địa phương trong Vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển; Hà Nội ngày càng khang trang, thân thiện hơn.
Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là ở những khu vực nội đô, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng khiến Hà Nội rơi vào tình trạng chật cứng chung cư, nhà cao tầng, trong khi quỹ đất cho giao thông thì lại rất hạn hẹp. Theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô thì khu vực nội đô được xác định là nơi hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú. Song song với đó là ở các đô thị vệ tinh, các khu đô thị mới phải được xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng để giảm tải cho đô thị trung tâm.
Hà Nội chật cứng chung cư, nhà cao tầng trong khu vực nội đô- Ảnh: sưu tầm |
Báo cáo nêu rõ: "Thực tế đã có nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất sau khi di dời. Ví dụ như: trên đường Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của các ngành công nghiệp như Cao su sao vàng, Xà phòng, Thuốc lá Thăng Long, Dệt Mùa đông, Xe đạp thống nhất, Xe buýt Hà Nội,… nay là những dự án tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ thương mại với quy mô, mật độ rất lớn".
Bên cạnh đó, tiến độ di dời thực hiện rất chậm; quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho Thành phố để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Thủ đô.
Vẫn theo báo cáo, Thành phố cũng đã xem xét, giới thiệu địa điểm, quỹ đất để đầu tư xây dựng các Bệnh viện tuyến Trung ương, cơ sở giáo dục, trụ sở làm việc của 9 bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Đại học Y tế công cộng là đơn vị duy nhất thực hiện di dời, song khu đất sau khi di dời lại được chuyển đổi xây dựng tổ hợp dự án nhà cao tầng.
Đối với Bệnh viện tuyến Trung ương, hiện chỉ có Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết đã xây dựng cơ sở mới và đưa vào sử dụng, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội thành. Trong số 9 bộ, ngành thì 7 cơ quan vẫn tiếp tục giữ lại trụ sở làm việc cũ, 2 cơ quan còn lại được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng.
Chính quyền TP. Hà Nội cũng đã xác định lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Thành phố đã tổ chức phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời và hiện đang xem xét 21 dự án thuộc diện di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội thành, với diện tích 141.862m2.
Còn đối với phát triển giao thông, Chính phủ cho rằng, tỷ lệ đất dành cho giao thông của Hà Nội nói chung còn quá thấp. Tính đến năm 2018, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 8,65% diện tích đất đô thị (trong khi đó tỷ lệ trung bình của thế giới là khoảng 25%).
Theo thống kê mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng gần 200.000 người, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm. Trong khi đó, việc mở rộng các tuyến giao thông khu vực nội đô là rất khó khăn, cộng thêm chi phí đền bù giải tỏa để mở rộng các tuyến đường rất cao, gây sức ép lên ngân sách Thành phố.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị TP. Hà Nội cần khẩn trương xây dựng các biện pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng quy hoạch, di dời các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, cơ sở giáo dục trong khu vực nội thành Hà Nội ra ngoại thành để thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.
Hà Nội cũng cần tăng cường phối hợp với chính quyền các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô để thực hiện tốt các quy định trong Luật Thủ đô, trong đó tập trung vào vấn đề tạo việc làm và giải quyết việc làm. Đây là giải pháp có tính nền tảng để hạn chế việc di dân tự phát vào nội thành. Khẩn trương ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị tại các quận nội đô lịch sử: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.
Trong quy hoạch kiến trúc cần hạn chế, thậm chí không cho phép xây dựng các tòa nhà chung cư cao tầng trong nội đô để hạn chế tình trạng tăng dân số cơ học trong nội thành.
THÙY CHI (Tổng hợp)