Hiểu đúng về tự chủ đại học trong nền kinh tế thị trường

Xã hội - Ngày đăng : 11:20, 14/10/2019

(BKTO) - Hiểu đúng về đổi mới giáo dục đại học (GDĐH), nhất là tự chủ đại học trong nền kinh tế thị trường luôn là yêu cầu cấp thiết được đặt ra. Tuy nhiên, đến nay, ngành giáo dục vẫn chưa có một định hướng xác định rõ về tự chủ đại học; các văn bản pháp lý liên quan đến vấn đề này cũng còn thiếu.


Giáo dục đại học là phúc lợi hay hàng hóa dịch vụ?

Hiện nay, nhiều cơ sở GDĐH đã và đang thực hiện cơ chế tự chủ, tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn không ít băn khoăn xoay quanh vấn đề này. Bởi lẽ, khi thực hiện tự chủ, các cơ sở GDĐH sẽ vận hành hoạt động theo cơ chế mới, trong khi đó, định hướng về GDĐH đến nay vẫn chưa được làm rõ.

Theo GS,TS. Trần Quốc Toản (Hội đồng Lý luận T.Ư), lĩnh vực giáo dục nói chung, GDĐH nói riêng vẫn tồn tại nhiều quan điểm, trong đó nổi lên là hai nhận thức: Một là coi GDĐH là phúc lợi xã hội, hai là coi GDĐH là hàng hóa dịch vụ. Về cơ bản, tại nhiều nước trên thế giới, xu thế phát triển chung coi GDĐH là lĩnh vực mang tính hàng hóa dịch vụ cao và do đó tiếp cận cơ chế thị trường sâu rộng hơn so với các cấp, bậc giáo dục phổ cập, giáo dục cơ bản.

Theo hướng này, mức đầu tư công cho GDĐH thường chiếm tỷ trọng thấp hơn so với giáo dục phổ thông. Điều này cũng đồng nghĩa tính chất bao cấp của Nhà nước đối với GDĐH giảm đi (trừ các đối tượng chính sách), sự chia sẻ chi phí đào tạo từ phía người học và xã hội tăng lên và việc vận dụng cơ chế thị trường của các cơ sở GDĐH tăng lên. Soi chiếu vào thực tiễn đất nước, GS,TS. Trần Quốc Toản cho rằng, nhận thức về giáo dục nói chung, đặc biệt GDĐH trong nền kinh tế thị trường vẫn là vấn đề đáng bàn. Tuy nhiên, yêu cầu tạo động lực và hiệu quả trong phát triển GDĐH là yêu cầu bức thiết và điều này chỉ có thể thực hiện thông qua tự chủ GDĐH.

Còn theo TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III, việc thống nhất nhận thức trong các cấp quản lý và người lao động về những nội dung tự chủ tại các trường đại học công lập là rất quan trọng, bởi qua thực tế kiểm toán, nhiều trường còn có cách hiểu chưa đúng về tự chủ. Việc hiểu chưa đúng dẫn đến việc có cơ sở GDĐH không đảm bảo yếu tố phúc lợi đối với các đối tượng chính sách, cũng như tạo gánh nặng chi phí cho người học, xã hội theo hướng coi giáo dục là hàng hóa dịch vụ để rồi nặng về các khoản thu, mức thu.

Phân tích cụ thể về vấn đề này, TS. Lê Đình Thăng cho rằng, GDĐH là một loại hàng hoá công cộng, khác biệt là hàng hoá này có cả Nhà nước cung cấp và tư nhân cung cấp. Tư nhân cung cấp thường hay bị liên tưởng đến lợi nhuận và từ đó, nhiều nhà quản lý cho rằng GDĐH hoàn toàn là sản phẩm thị trường. Quan điểm này làm méo mó khi thiết kế chính sách, dẫn đến xu hướng là biến tự chủ của các trường đại học thành trường tự lo kinh phí hoạt động. “Một sản phẩm được coi là sản phẩm của thị trường thông thường được đánh giá qua 3 yếu tố, đó là: biết trước chất lượng sản phẩm, giá cả thỏa thuận và so sánh các sản phẩm với nhau. Tuy nhiên, giáo dục hầu như không bao hàm 3 yếu tố này, vì thế, nó được coi là hàng hóa công cộng, tức là vừa có yếu tố thị trường, vừa có yếu tố chính sách” - TS. Thăng phân tích.

Không để thị trường chi phối hoàn toàn giáo dục

Tại nhiều cuộc họp, hội thảo bàn về tự chủ GDĐH, lãnh đạo Chính phủ đều khẳng định: Tự chủ GDĐH là yêu cầu mang tính tất yếu của thời đại. Song, tự chủ không có nghĩa là các trường phải hoàn toàn “tự túc”, “tự bơi” mà là các trường được chủ động hơn về mọi mặt. Trong bối cảnh các văn bản pháp lý liên quan đến tự chủ GDĐH đang được xây dựng, hoàn thiện, nhiều chuyên gia cho rằng, những quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về tự chủ GDĐH cần được coi là những định hướng quan trọng để cơ sở GDĐH thực hiện đúng đắn chủ trương về tự chủ trong nền kinh tế thị trường.

Quan điểm chỉ đạo này cũng tiếp tục được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chia sẻ tại Lễ Khai khóa 2019 Đại học Quốc gia TP. HCM, về chủ đề “Tự chủ đại học - Đổi mới và sáng tạo” diễn ra mới đây. Theo Phó Thủ tướng, Nhà nước sẽ không để giáo dục tự chủ hoàn toàn theo thị trường, bởi như vậy sẽ gây ra những bất ổn lâu dài trong cung cấp dịch vụ này.

Tuy nhiên, xu hướng chung trong GDĐH toàn cầu hiện nay là chuyển dịch dần từ mô hình Nhà nước kiểm soát sang các mô hình có mức độ tự chủ cao hơn, từ Nhà nước kiểm soát sang Nhà nước giám sát. Ngay cả trong mô hình Nhà nước kiểm soát thì cơ sở GDĐH vẫn được hưởng một mức độ tự chủ nhất định. Phó Thủ tướng cũng nêu rõ: Tự chủ đại học không có nghĩa là các trường phải hoàn toàn “tự túc”, “tự bơi” về mặt tài chính mà là các trường được chủ động hơn về mọi mặt, trong đó có các quyết định về tài chính. Đồng thời, Nhà nước vẫn có chính sách đặt hàng đào tạo, đầu tư, hỗ trợ phát triển cùng với các chính sách xã hội hóa và đóng góp nguồn lực từ các DN.

Theo Phó Thủ tướng, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH có 3 điểm mới đáng chú ý về đổi mới, nâng cao tự chủ đại học gồm: tự chủ học thuật, tự chủ tổ chức nhân sự và tự chủ tài chính. Luật cũng quy định nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH. Nhà nước thực hiện chiến lược, đặt ra quy định, quy trình, thực hiện giám sát, kiểm tra và không điều hành.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành các nghị định quy định cụ thể về tự chủ tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự… Cơ sở GDĐH sẽ chủ động trả lương cho giảng viên, các chuyên gia theo vị trí việc làm và theo cơ chế của khu vực DN. Đồng thời, Chính phủ sẽ đặt ra vấn đề hình thành DN trong trường đại học để góp phần phát triển thị trường khoa học, công nghệ, tăng cường các nguồn thu hợp pháp cho nhà trường.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 41 ra ngày 10-10-2019