Bangladesh: Sai phạm tài chính tại hàng loạt cơ quan của Chính phủ
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 11:45, 14/10/2019
(BKTO) - Cuối tháng 9/2019, Cơ quan Tổng Kiểm soát và Kiểm toán Bangladesh (CAG) đã công bố Báo cáo kiểm toán tổng hợp cho giai đoạn tài chính 2013-2018, trong đó chỉ ra sai phạm tài chính lớn tại 16 Bộ, ngành của Chính phủ, với giá trị lên đến 117 tỷ Taka (1,4 tỷ USD).
Hàng trăm kiến nghịvề các sai phạm
Trong Báo cáo tổng hợp, CAG đã nêu ra 434 kiến nghị của 34 báo cáo kiểm toán trong 5 năm tài chính từ 2013-2018. Những sai phạm này bao gồm: vi phạm luật pháp và chính sách, bất chấp các hướng dẫn của Chính phủ và sự phớt lờ các quy tắc mua sắm công; công tác kiểm soát nội bộ yếu kém; tình trạng tham nhũng và nhận hối lộ; yếu kém về quản trị hành chính và kỹ thuật cũng như sự lỏng lẻo trong việc thực hiện các chính sách quản lý tài chính công.
Tổng Kiểm soát và Kiểm toán Bangladesh Mohammad Muslim Chowdhury cho biết, Báo cáo kiểm toán tổng hợp đã được CAG đệ trình lên Văn phòng Tổng thống Bangladesh ngay sau đó.
Các lĩnh vực nằm trong diện kiểm toán đợt này bao gồm: nhà ở và công trình công cộng, luật pháp, tư pháp và quốc hội, thanh niên và thể thao, công nghiệp, hàng không dân dụng và du lịch, y tế và phúc lợi gia đình, giáo dục, tôn giáo, đối ngoại, quyền lực và năng lượng, thủy sản và chăn nuôi, dệt may và đay, tài nguyên nước, vận tải đường bộ, cầu và đường sắt.
Đặc biệt, trong tổng giá trị tài chính bị vi phạm, riêng Ngân hàng BASIC đã chiếm đến 38 tỷ Taka. Theo đó, những bất thường được tìm thấy như: cung cấp các khoản vay mà không cần xác minh tài liệu, cấp tín dụng mà không đảm bảo đủ bảo lãnh và sai sót trong việc hỗ trợ tài sản thế chấp trong trường hợp cho vay phân loại, cung cấp các khoản vay cho các công ty không tồn tại trên cơ sở tài liệu và mở rộng cho vay đối với các tài sản đã có được thế chấp với các ngân hàng khác.
Ngoài ra, CAG cũng đưa ra những chỉ trích liên quan đến chính sách tuyển dụng. Đó là: thăng chức mà không thể hiện thành tích xuất sắc, tuyển dụng người không có sơ yếu lý lịch hoặc ứng viên có chứng chỉ giả, bổ nhiệm lại các quan chức bị sa thải trước đó và sử dụng các quan chức bị sa thải vì chiếm dụng tiền, tham nhũng và giả mạo.
Nhiều ngân hàng, doanh nghiệpbị chỉ trích
CAG cũng công bố những phát hiện tại Ngân hàng BASIC liên quan đến việc hiển thị huy động doanh thu ít hơn thực tế nhằm giảm thuế thu nhập; xác định, chỉnh sửa tổng thu nhập không đúng yêu cầu, quy định…
Bên cạnh đó, Ngân hàng Agrani của Bangladesh cũng phải đối mặt với những chỉ trích bắt nguồn từ việc biến các khoản vay nhà ở, cho vay dự án và cho vay theo nhu cầu thành nợ có rủi ro; thất bại trong việc thu hồi đầy đủ các khoản vay và thực hiện các khoản vay từ khách hàng.
Hay Ngân hàng Sonali, ngân hàng lớn nhất của Chính phủ Bangladesh, cũng bị yêu cầu giải trình trước sai phạm 4,77 tỷ Taka trong giai đoạn tài chính 2014-2015. Những sai phạm tại Sonali chủ yếu liên quan đến việc cung cấp các cơ sở gia hạn cho vay và tín dụng vượt quá thời gian trần đã được phê duyệt, gia hạn thư tín dụng (LC) một cách bất hợp lý và thất bại trong việc thu hồi các khoản cho vay.
Ngân hàng Krishi Bangladesh và Ngân hàng Rajshahi Krishi Unnayan (RAKUB) phải đối mặt với những chỉ trích của CAG xoay quanh việc đánh giá các khoản nợ xấu từ các nhà máy có nguy cơ đóng cửa. Theo đó, Ngân hàng chưa đưa ra những đánh giá xác đáng về các khoản nợ này, thiếu sự giám sát dẫn đến các khoản vay trở thành nợ xấu khó đòi.
Ngoài ra, CAG cũng đưa ra hàng loạt các ý kiến chỉ trích tại Công ty nhà nước Karnaphuli Paper Mills Ltd, thuộc Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Bangladesh (BCIC), với sai phạm 15 tỷ Taka trong các giai đoạn tài chính 2010-2011 và 2012-2013. CAG cũng đã đưa ra 13 ý kiến phản đối chống lại Cơ quan Hàng không Dân dụng Bangladesh liên quan đến sai phạm 5,5 tỷ Taka trong giai đoạn 2013-2014 và các khoản nợ. Các ý kiến phản đối của CAG cũng được đưa ra đối với Bộ Dịch vụ Chăn nuôi, Tập đoàn Dệt may Bangladesh, Ủy ban Phát triển nguồn nước Bangladesh và một số cơ quan Chính phủ trong lĩnh vực thực phẩm và y tế.
NGỌC QUỲNH
Theo Báo Kiểm toán số 41 ra ngày 10-10-2019