Xây dựng Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị khắc phục bất cập của chính sách làm thêm giờ
Đầu tư - Ngày đăng : 16:25, 17/10/2019
(BKTO) - Có thể thấy rằng, chủ trương tăng thu nhập giảm giờ làm là mong muốn của cả loài người. Nhiều nước giàu trên thế giới cũng đang áp dụng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang còn là nước nghèo. Tạp chí Tài chính Thế giới (Global Finance) đã công bố bảng xếp hạng các nước giàu nhất thế giới năm 2019, theo đó Việt Nam xếp thứ 128 trong 192 nước. Vì vậy, mỗi người Việt Nam cần phải tích cực lao động sản xuất làm ra nhiều của cải vật chất để đất nước từng bước trở thành một nước giàu. Lúc đó, ai cũng sẽ mong muốn giảm giờ làm!
Đó là lập luận của các doanh nghiệp (DN) ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi góp ý vào nội dung "quy định về giờ làm thêm" đang còn vướng mắc do có ý kiến khác nhau khi xây dựng Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp lần thứ 8 sắp tới.
Cân nhắc giờ làm thêm phù hợp với DN có tính chất thời vụ
Đề cập đến quy định thời gian làm thêm giờ hiện hành, ông Lê Văn Quang- Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã dẫn ra Điểm b, khoản 2, Điều 106 Luật Lao động 2012 nêu: “Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm”.
Trong khi đó, nêu thực tế của các DN ngành thủy sản, ông Quang cho rằng, DN rất cần làm thêm giờ. Bởi với ngành tôm, cá nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung đều có tính chất thời vụ. Vào vụ thu hoạch tôm, cá hoặc các nông sản khác, người nông dân bán về cho các nhà máy rất nhiều. Trong những ngày này, nếu các nhà máy thu mua hết sản phẩm của nông dân để chế biến thì sẽ vi phạm giờ làm thêm trong ngày, trong tháng. Nếu DN chỉ thu mua đủ số lượng sản phẩm để sản xuất, còn bao nhiêu trả lại cho người nông dân vì quy định giới hạn giờ làm thêm thì hệ lụy đối với phát triển kinh tế xã hội rất lớn.
Vào vụ thu hoạch, người dân tăng mạnh nguồn cung cho các nhà máy chế biến (Ảnh minh họa)- Nguồn: TTXVN |
Thực tế là mỗi năm, DN xuất khẩu thủy sản lớn đều được hàng chục khách hàng khác nhau đánh giá về tiêu chuẩn an sinh xã hội. Đáng chú ý là các tiêu chuẩn an sinh xã hội của DN chỉ được khách hàng công nhận trong 01 năm và trong năm đó sẽ có các đợt kiểm tra đột xuất, nếu khách hàng phát hiện DN vi phạm sẽ lập tức không mua hàng và buộc DN phải chờ đến kỳ đánh giá năm sau. Kết quả thực tế DN đã khắc phục được thì họ mới tiếp tục mua hàng. Do vậy, nếu DN chỉ cần tăng thời gian làm thêm quá 01 giờ so với quy định là đã vi phạm pháp luật. Vì thế, nếu pháp luật lao động không phù hợp thì DN lãnh đủ thiệt hại. Thêm vào đó, chi phí mỗi lần đánh giá lại không dưới 3000 USD.
Theo đại diện lãnh đạo VASEP, việc tăng giờ làm thêm trong bối cảnh đó là để giải quyết hết những sản phẩm của nông dân thì lại vi phạm luật. Trong khi đó, Nghị quyết 26 của Hội nghị TW7 khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã xác định tư tưởng chủ đạo là phải lấy nông nghiệp, nông dân, nông thôn làm nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
DN luôn phải cân đối để đảm sức khỏe người lao động
Nếu tăng thời gian sản xuất để đảm bảo giao hàng đúng hẹn cho khách hàng thì DN phải tăng ca. Điều này rất dễ dẫn đến vi phạm quy định về thời gian làm thêm. Theo ý kiến của chuyên gia ngành thủy sản, DN cũng chẳng mặn mà với làm thêm giờ vì phải chi trả ít nhất 150% lương/giờ công cho 01 giờ làm thêm bình thường, 200% cho làm thêm giờ vào ban đêm hoặc ngày nghỉ; 300% làm thêm giờ cho những ngày lễ. “Làm thêm giờ thì phải trả lương tăng thêm mà DN lại không thể bán hàng với giá cao hơn được.
Một DN thủy sản cho biết, qua thực tế hàng chục năm nay, ngành tôm chỉ cần làm thêm giờ trong 3-5 tháng/năm ở giai đoạn nguyên liệu dồi dào nhất. Các tháng còn lại thường làm không đến 8 giờ/ngày, thậm chí chỉ làm khoảng 5 giờ/ngày là đã hết nguyên liệu.
Doanh nghiệp ngành tôm chỉ có nhu cầu tăng giờ làm thêm trong 3-5 tháng/năm (Ảnh minh họa)- Nguồn: VGP |
Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn hiện có 04 nhà máy chế biến tôm và để chạy hết công suất thì cần khoảng 20 ngàn lao động. Mặc dù chi trả lương cao và có nhiều chính sách đãi ngộ, nhưng hiện tại, Minh Phú chỉ tuyển được khoảng 13.000 lao động và vẫn thiếu khoảng 35% năng lực sản xuất. Thực tế, nhiều công nhân của nhà máy sau khi làm khoảng 8-12 giờ/ngày, lại tiếp tục đi làm thêm thời vụ tại các công ty thủy sản khác thêm vài giờ để có thêm thu nhập từ 3-5 triệu/tháng. Do đó, tổng thu nhập của công nhân vào mùa vụ có thể lên đến 12-14 triệu/tháng. Nhưng kết quả là hôm sau công nhân đến DN làm việc thì buồn ngủ, dễ trốn việc… Như vậy, nhu cầu làm thêm giờ để có thêm thu nhập là có. Tuy nhiên, nếu làm việc và làm thêm giờ chỉ tại 01 DN thì chủ DN luôn phải cân đối để công nhân vừa có thu nhập, vừa đảm bảo sức khỏe để làm việc lâu dài.
PHÚC KHANG