Đại hội OLACEFS- 29: Tăng cường tính liêm chính thể chế trong khu vực công

Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 14:10, 19/10/2019

(BKTO) - Ngày 18/10, sau 4 ngày làm việc tích cực, hiệu quả, tại thủ đô San Salvador, El Salvador, Đại hội các cơ quan kiểm toán tối cao châu Mỹ La tinh và Caribe (OLACEFS) lần thứ 29 đã chính thức bế mạc.



Quang cảnh Lễ khai mạc OLACEFS- 29

Đại hội OLACEFS lần thứ 29 diễn ra từ ngày 16- 18/10, khẳng định tính liêm chính thể chế và tầm quan trọng của công nghệ mới trong hoạt động kiểm toán. Ngoài phiên khai mạc và bế mạc, trong 4 ngày diễn ra, Đại hội đã tập trung thảo luận các nội dung: Ứng dụng và tính pháp lý của chữ ký điện tử và tài liệu điện tử trong quá trình kiểm toán; Tính liên quan vấn đề giới trong việc thực hiện chức năng của SAI trong OLACEFS; Nâng cao việc quản lý tính liêm chính của tổ chức, sự liên quan và SAI trong lĩnh vực công; Liêm chính công như một cơ chế nhằm tăng cường cuộc chiến chống lại tham nhũng; Kiểm toán hợp tác mua sắm công bền vững; Liêm chính và hợp tác công-tư: Vai trò của các SAI.
Với chủ đề “Nâng cao việc quản lý tính liêm chính của tổ chức, sự liên quan và SAI trong lĩnh vực công”, KTNN Việt Nam đã có bài tham luận: “Vai trò của KTNN Việt Nam trong phát hiện sai phạm và phòng chống tham nhũng”.

Bài tham luận nhấn mạnh, tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới, xảy ra trong cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Tham nhũng không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước mà làm còn sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm niềm tin, kìm hãm các nỗ lực giảm nghèo và phát triển quốc gia.

Phòng chống tham nhũng (PCTN) là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia, trong đó cơ quan kiểm toán tối cao được xác định là công cụ hữu hiệu, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.

Hầu hết các quốc gia đều thiết lập cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) nhằm giám sát hoạt động tài chính và hiệu quả làm việc của các cơ quan tổ chức trong khu vực nhà nước. SAI là tổ chức có trách nhiệm trong kiểm toán các khoản thu chi của Chính phủ, hoạt động như một cơ quan giám sát về tính vẹn toàn tài chính quốc gia với nhiệm vụ là đánh giá các quỹ công có được quản lý một cách hiệu quả và hiệu lực theo luật định không.

Với tư cách là một trong những trụ cột của hệ thống liêm chính quốc gia, là cơ quan giám sát tài chính công, đóng góp của SAI trong phòng, chống tham nhũng được biểu hiện chủ yếu theo hai cách: Ngăn ngừa và phát hiện.

Với địa vị pháp lý là “cơ quan đo Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”, KTNN Việt Nam là một trong những cơ quan đóng vai trò quan trọng công tác phòng chống tham nhũng; có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng thông qua hoạt động kiêm toán.

Đoànđạibiểu KTNN ViệtNam trao đổi với các đại biểu tham dự Đại hội OLACEFS lần thứ 29

KTNN là công cụ phục vụ cho minh bạch về tài chính ngân sách thông qua công khai kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của các tổ chức, các cấp ngân sách. Đây là cơ sở cho hoạt động giám sát của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân đối với công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài chính công.

KTNN cũng là công cụ quan trọng để phát hiện những hiện tượng, dấu hiệu tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực tài chính, tài sản nhà nước... Trên cơ sở đó, KTNN kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật; kiến nghị xử lý tài chính thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát cho nhà nước; kiến nghị các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật cho phù hợp đề góp phần PCTN. Trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì KTNN lập hồ sơ kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý về hình sự đối với những chủ thể liên quan theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở tính độc lập trong hoạt động kiểm toán, KTNN Việt Nam chủ động xây dựng kế hoạch kiểm toán hướng vào những lĩnh vực có khả năng phát sinh tham nhũng, lãng phí lớn, những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhằm ngăn ngừa hành vi tham nhũng.

Đoàn đại biểu KTNN Việt Nam tại OLACEFS 29

Để thực hiện hiệu quả vai trò của mình, bài học kinh nghiệm KTNN Việt Nam rút ra đó là cần đảm bảo đồng bộ các yếu tố: cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện cho tổ chức và hoạt động của KTNN; hệ thống chuẩn mực, quy trình và phương pháp kiểm toán hiện đại; nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả với các trụ cột trong hệ thống liêm chính quốc gia; sự hợp tác và chia sẻ giữa các SAI; và tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình của quốc gia.

+ Nhân chuyến tham dự Đại hội OLACEFS- 29, Đoàn lãnh đạo KTNN Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc song phương với một số SAI thành viên OLACEFS.

Tại các cuộc tiếp xúc, các SAI đều đánh giá cao những đóng góp tích cực của KTNN Việt Nam trong việc tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASOSAI với các tổ chức khu vực trên thế giới, cũng như đối với sự phát triển của INTOSAI.

Trên cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018- 2021, KTNN Việt Nam mong muốn hai Tổ chức khu vực ASOSAI và OLACEFS có nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa nhằm trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và thông lệ tốt nhất về các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, thúc đẩy các hoạt động kiểm toán hợp tác trong khu vực, đặc biệt trong các chủ đề mà OLACEFS có nhiều kinh nghiệm như: kiểm toán hợp tác về tài nguyên nước và các Mục tiêu phát triển bền vững.

KTNN Việt nam cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các SAI thành viên OLACEFS sẽ hỗ trợ và ủng hộ KTNN Việt Nam tham gia sâu vào các hoạt động chuyên môn của INTOSAI, đặc biệt là lĩnh vực kiểm toán môi trường và kiểm toán CNTT.

ĐỨC HIẾU