99,42% kiến nghị của cử tri đã được xem xét giải quyết và trả lời

Đối nội - Ngày đăng : 17:20, 21/10/2019

(BKTO)- Sáng 21/10, trình bày trước Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết: Thông qua 1.688 cuộc tiếp xúc cử tri, đã tổng hợp được 2.251 kiến nghị, qua phân loại, tổng hợp còn 2.224 kiến nghị. Đến nay, 2.211 kiến nghị đã được giải quyết hoặc trả lời, đạt 99,42%.


                
   

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải báo cáo tại Kỳ họp- Ảnh: quochoi.vn

   
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, lĩnh vực tài nguyên và môi trường nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri nhất với 205 kiến nghị, tiếp theo là lĩnh vực giáo dục và đào tạo với 191 kiến nghị, lao động thương binh và xã hội với 167 kiến nghị và giao thông vận tải với 160 kiến nghị.

Trong tổng số 2.224 kiến nghị nói trên, có 51 kiến nghị về hoạt động của Quốc hội, chiếm 2,29% tổng số. Toàn bộ kiến nghị này đã được trả lời. Có 2.127 kiến nghị về công tác điều hành của Chính phủ, chiếm 95,64%. Chính phủ đã giải quyết, trả lời 2.115 kiến nghị, đạt 99,44%. Có 36 kiến nghị về hoạt động của các cơ quan tư pháp, 100% số kiến nghị này đã được xem xét, trả lời.

Báo cáo cũng nêu rõ: Cử tri đánh giá, nhìn chung các Bộ, ngành, cơ quan đều nghiêm túc, tích cực giải quyết trả lời đối với những vấn đề mà cử tri phản ánh; hầu hết các Bộ trưởng, trưởng ngành đều trực tiếp xem xét, giải quyết, ký văn bản trả lời và công khai trên cổng thông tin điện tử. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công thương là 2 Bộ có nhiều kiến nghị nhưng đã giải quyết và trả lời đúng thời gian quy định; ngoài ra, nhiều Bộ được một số Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao như Bộ NN&PTNT; Bộ Quốc phòng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nội vụ; Bộ Công an; Bộ Tài chính...

Nhiều yêu cầu cấp thiết của người dân đã được giải quyết kịp thời, như: Thủ tướng đã ban hành Quyết định 793 để hỗ trợ cho những hộ dân bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi ngay sau khi cử tri các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Bình Định, Bà Rịa- Vũng Tàu… có kiến nghị; Tiếp thu kiến nghị của cử tri Đồng Tháp, Bộ Giao thông vận tải đã bố trí 50 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị sụt, lún do thi công đường dẫn cầu Cao Lãnh - Vàm Cống; theo kiến nghị của cử tri các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Thái Bình..., Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các chi nhánh giãn nợ cho hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng do dịch tả lợn Châu Phi. Cử tri Thái Bình, Đắk Lắk, Vĩnh Long phản ánh về tiêu cực trong thực hiện chính sách cho người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiểm tra 53.718 hồ sơ, phát hiện 650 hồ sơ giả mạo, giám định y khoa sai 1.176 trường hợp, đình chỉ trợ cấp, nộp trả ngân sách 63,718 tỷ đồng...

Ngoài những kiến nghị cụ thể đã được giải quyết kịp thời, một số nhóm vấn đề lớn mà người dân phản ánh cũng được quan tâm tháo gỡ, bước đầu có chuyển biến, như: Về “tham nhũng vặt”, ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 10 về ngăn chặn và xử lý tham nhũng vặt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai, trong đó đặc biệt nhấn mạnh giải pháp về trách nhiệm của người đứng đầu; về rà soát, chuyển đổi những vị trí công tác dễ phát sinh tiêu cực; lắp đặt thiết bị công nghệ để giám sát công chức và tăng cường áp dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính…

Tuy nhiên, cử tri cũng cho rằng, việc trả lời kiến nghị còn hạn chế, như: Một số văn bản trả lời cử tri còn chưa có đủ thông tin để đại biểu Quốc hội trả lời cử tri. Chẳng hạn, cử tri nhiều địa phương kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xảy ra gian lận thi cử tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 nhưng Bộ chỉ nêu: Bộ chịu trách nhiệm về quy trình kỹ thuật (gồm Phần mềm chấm thi; Công tác quán triệt quy chế thi; Công tác thanh tra), Bộ đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục để tổ chức tốt kỳ thi 2019.

Thứ hai, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành để giải quyết kiến nghị cử tri trong một số trường hợp chưa chặt chẽ, dẫn đến một số kiến nghị chưa rõ trách nhiệm do cơ quan nào chủ trì giải quyết như công tác quản lý, bảo trì đối với đoạn quốc lộ đi qua một số địa phương: Quảng Nam, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên...

Thứ ba, một số kiến nghị chưa được giải quyết do chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc chậm triển khai các quy định đã có của pháp luật như việc thí điểm triển khai taxi công nghệ, việc khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT vào tất cả các ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật)...

Thứ tư, một số kiến nghị đã được các Bộ, ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị liên quan đến lĩnh vực giáo dục, giao thông.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu rõ: các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội cần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tiếp xúc cử tri, tích cực khai thác phần mềm ứng dụng để giải đáp trực tiếp cho cử tri các kiến nghị đã được các Bộ, ngành trả lời; tăng cường tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch giải quyết dứt điểm những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; phân công cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính để giải quyết đối với các kiến nghị có nội dung liên quan đến nhiều Bộ, ngành; gửi kết quả giải quyết tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 30/4/2020 để tổng hợp báo cáo cử tri tại Kỳ họp thứ 9, tháng 5/2020; đối với 247 kiến nghị đang giải quyết, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình như đã báo cáo với cử tri.
MINH ANH