Tập trung giải quyết những khó khăn, bức thiết nhất của vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Đối nội - Ngày đăng : 21:30, 21/10/2019
(BKTO) - Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh như vậy khi thẩm tra Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn (Đề án), được Chính phủ trình Quốc hội tại phiên họp chiều nay 21/10.
Tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Báo cáo Quốc hội về Đề án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đề án sẽ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ một số yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào các dân tộc. Góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; thu hẹp dần khoảng cách với vùng phát triển; xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhấn mạnh quan điểm xây dựng Đề án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, việc đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN là đầu tư cho phát triển bền vững gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau".
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Đề án trước Quốc hội- Ảnh: quochoi.vn |
Đề án sẽ được thực hiện ở địa bàn các xã vùng đồng bào DTTS&MN, các xã, thôn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn (không bao gồm xã thuộc vùng bãi ngang ven biển và hải đảo) giai đoạn 2021-2030.
Tập trung nguồn lực, khắc phục dàn trải, cào bằng
Trình bày báo cáo thẩm tra Đề án, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 74/2018/QH14, giao cho Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS&MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 để thực hiện từ năm 2021, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị đối với công cuộc xây dựng, phát triển vùng DTTS&MN; thể chế hóa quy định tại Điều 5 Hiến pháp. Đây cũng là nội dung được Việt Nam cam kết trước cộng đồng quốc tế: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Về các nội dung cụ thể của Đề án, Hội đồng Dân tộc đề nghị điều chỉnh lại tên gọi của Đề án là: “Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS&MN”, để xác định rõ địa bàn, đối tượng của Đề án là vùng DTTS&MN, không bao gồm hơn 300 xã bãi ngang ven biển, hải đảo. Đồng thời, thống nhất với sự phân kỳ thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030 theo đề nghị của Chính phủ.
Đề án xác định phạm vi thực hiện ở vùng DTTS&MN trên địa bàn 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, của 548 huyện, thị xã, thành phố, thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội đồng Dân tộc cho rằng, trong tổng số 5.266 xã thuộc vùng DTTS&MN, có 1.957 xã đặc biệt khó khăn ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa được đảm bảo, mức độ hưởng thụ thành quả phát triển chung của đất nước rất thấp. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần xác định phạm vi, địa bàn của Đề án theo hướng tập trung vào “vùng đặc biệt khó khăn” của vùng DTTS&MN để ưu tiên nguồn lực đầu tư, khắc phục tình trạng dàn trải, cào bằng, thiếu trọng tâm, trọng điểm như hiện nay.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến trình bày báo cáo thẩm tra Đề án- Ảnh: quochoi.vn |
Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện trong nửa đầu năm 2020 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành bộ tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi thật sự bao quát đầy đủ những yếu tố đặc thù của các vùng, miền, bảo đảm khách quan, khoa học dễ thực hiện.
Đồng tình với 11 nhóm giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH vùng DTTS&MN theo Đề án Chính phủ trình, song nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị, nội dung chương trình mục tiêu quốc gia mới cần quan tâm tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức thiết nhất hiện nay của vùng DTTS&MN, theo thứ tự ưu tiên, như: (1) Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; (2) quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư ở nơi cần thiết; (3) phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, hướng đến sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh ở vùng DTTS&MN; (4) đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống (đường giao thông, điện sinh hoạt và sản xuất, trường học, trạm y tế, nhà ở…); (5) phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (6) phát triển văn hóa- du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa, tri thức của đồng bào các dân tộc; (7) xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Đ. KHOA