Tháo gỡ những “nút thắt” để thúc đẩy kinh tế phát triển

Đối nội - Ngày đăng : 10:57, 23/10/2019

(BKTO) - Chiều 22/10, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế- xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2020, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao những kết quả tích cực, ấn tượng trong phát triển kinh tế- xã hội năm 2019. Đồng thời, các đại biểu cũng chỉ rõ những khó khăn, bất cập và kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển bền vững.


Đánh giá những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế- xã hội năm 2019 là hết sức tích cực, đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong thời gian tới cần tạo ra những “quả đấm thép” cho nền kinh tế mà cốt lõi là xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển DN, đặc biệt là các DN, các tập đoàn kinh tế đầu tàu. Điều này sẽ tạo nên sự bứt phá và phát triển của nền kinh tế.
                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu thảo luận tại tổ- Ảnh: N. Hồng

   
Bên cạnh đó, cần phải xây dựng kịch bản để đối phó với những khó khăn như chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của nước ta; chẳng hạn như nguyên liệu đầu vào, nhất là những nguồn nguyên liệu phụ thuộc vào nước ngoài như dệt may, giày da, thép, những vấn đề liên quan đến xuất khẩu… để chủ động đối phó trong bất kỳ tình huống nào, để kinh tế phát triển bền vững.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị, cần tập trung giải quyết những tồn đọng, tháo gỡ những nút thắt, những vướng mắc để phát triển kinh tế, trong đó hai vấn đề lớn nhất là những bất cập trong đầu tư công như giải ngân chậm, đội vốn… và những vướng mắc về chính sách đất đai để thu hút đầu tư, phát triển DN.

Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, hiện nay giữa các luật như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Bất động sản hay Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu có những điểm xung đột, làm đúng luật này thì không đúng luật kia; trong vấn đề giao đất, phương pháp tính giá đất… cũng còn những bất cập, do đó vấn đề hoàn thiện pháp lý là hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển.

Cùng với đó, cần có giải pháp để tập trung giải quyết vấn đề ma túy; tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, không khí, an toàn thực phẩm… để cải thiện đời sống và sức khỏe nhân dân. Bởi đây chính là những vấn đề cản trở, phá hủy sự phát triển bền vững. “Sự phát triển phải dựa vào nguồn lực con người, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ. Vì vậy, giải quyết được vấn đề này mới đảm bảo sự phát triển bền vững của kinh tế- xã hội”- Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nói.
                
   

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 22/10- Ảnh: N. Hồng

   
Đồng tình với quan điểm của Tổng Kiểm toán Nhà nước, đại biểu Trần Đăng Ninh (Hòa Bình) cho biết, từ thực tế tại địa phương cho thấy, việc ban hành và thực hiện một số luật còn lúng túng, chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong các quy định giữa một số luật, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Trong vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Ninh cho rằng, nguyên nhân một phần do cơ chế, chính sách do người vận hành, thực hiện cơ chế. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần phải có giải pháp để tháo gỡ những bất cập này.

Theo đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình), tiến độ giải ngân các chương trình mục tiêu theo Luật Đầu tư công rất chậm, dẫn đến đội vốn, thất thoát nguồn lực và có cả vấn đề về tham nhũng trong đó; công tác cổ phần hóa, thoái vốn DNNN cũng rất chậm; việc sử dụng đất đai, tài nguyên còn lãng phí, nhiều sai phạm; đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Do đó, Chính phủ cần có đánh giá kỹ hơn, chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan trong vấn đề này để có giải pháp hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) cũng chỉ ra những khoảng trống pháp lý trong quy định về xuất xứ hàng hóa; đồng thời cho rằng, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ được tăng cường cần chú trọng kích cầu tiêu dùng trong nước. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất trong nước, thúc đẩy nội lực phát triển kinh tế…

N. HỒNG