Tín dụng bất động sản tăng đột biến là do thay đổi cách tính
Đối nội - Ngày đăng : 21:55, 22/10/2019
(BKTO)- Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế- xã hội chiều 22/10, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) cho rằng dư nợ tín dụng trên 7 triệu tỷ thì hơn 1,5 triệu tỷ đổ vào bất động sản và đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn đến vấn đề này.
Cũng theo ông Thưởng, mặc dù Chính phủ đánh giá thị trường bất động sản tốt lên và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chỉ đạo siết tín dụng bất động sản nhưng tiền đổ vào bất động sản nhiều như thế, nếu thị trường này bất ổn thì sẽ tạo ra nợ xấu, cả xã hội phải gánh, gây bất ổn cho nền kinh tế.
Phát biểu tại tổ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Những năm gần đây tín dụng bất động sản được kiểm soát rất chặt chẽ. Có năm tín dụng tăng đến 33% mà GDP tăng 6%, có năm thì tín dụng lên đến 54% còn mấy năm nay đều dưới 14%.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (người đứng) phát biểu tại phiên họp tổ chiều 22/10. |
Về việc đại biểu Thưởng lo lắng, Phó Thủ tướng lý giải: Sở dĩ tăng trưởng tín dụng bất động sản những tháng đầu năm 2019 tăng đột biến là do Chính phủ thay đổi cách tính. Những năm trước thống kê riêng tín dụng cho DN bất động sản và tín dụng tiêu dùng cho người mua nhà, sửa chữa nhà ở... Từ năm vừa rồi, Chính phủ yêu cầu tổng hợp 2 chỉ số này để không chủ quan là tỷ lệ tín dụng bất động sản thấp.
Cũng từ năm 2019, DN nào kinh doanh bất động sản có số dư nợ tín dụng 5.000 tỷ đồng thì cứ 3 tháng Thống đốc NHNN phải báo cáo Chính phủ một lần và phải chịu trách nhiệm về báo cáo đó.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản cỡ khoảng 1,5 triệu tỷ đồng (trong khoảng 7,85 triệu tỷ đồng) đại biểu nêu là chính xác, tuy nhiên Phó Thủ tướng lưu ý, số dư nợ cho kinh doanh bất động sản chỉ có 32,7% trong 1,5 triệu tỷ đó.
Đến ngày 30/9/2019, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Tín dụng ngoại tệ được kiểm soát phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.
Tín dụng bất động sản chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 14,58%. Trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 32,7% dư nợ bất động sản, tăng 5,5%; tín dụng cho mục đích tự sử dụng chiếm 68,3% dư nợ bất động sản, tăng 19,6%.
Tín dụng tiêu dùng chiếm 20,68% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 13,92%, trong đó liên quan bất động sản (mua, thuê, thuê mua, xây dựng sửa chữa nhà ở) chiếm 59,4% dư nợ cho vay tiêu dùng, tăng 19,51%.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Chính phủ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản và các dự án quy mô lớn, chỉ xem xét các dự án vay vốn khả thi, thận trọng cho vay nhà đầu tư thứ cấp...
Tin và ảnh: MINH ANH