Đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng kiểm toán

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:35, 24/10/2019

(BKTO) - Qua thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN hiện tập trung vào bổ sung quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm toán, như: làm rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; bổ sung quy định KTNN có quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia; quan hệ phối hợp với cơ quan thanh tra để tránh chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động của KTNN; bổ sung quyền xử lý vi phạm hành chính, ban hành văn bản quy pháp pháp luật của KTNN; quy định về quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán; bổ sung quy định về phòng, chống tham nhũng của KTNN; bảo đảm chất lượng kiểm toán và quyền KTNN được quyết định kiểm toán đột xuất khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng...


Về tổng thể, rõ ràng các định hướng nội dung sửa đổi, hoàn thiện Luật nêu trên có tính toàn diện và triệt để, có quan hệ với nhau chặt chẽ, cũng như có ý nghĩa quan trọng khẳng định sự phát triển cả về phương diện nhận thức, quyết tâm chính trị, cũng như luật định nhằm hoàn thiện Luật KTNN, bảo đảm chất lượng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán trên thực tế, củng cố vị thế và nâng tầm, cũng như quyền chủ động của KTNN trong tổ chức và phối hợp với các đơn vị hữu quan triển khai các hoạt động nghiệp vụ KTNN.

Trước hết, việc làm rõ các cơ quan và tổ chức liên quan đến hoạt động KTNN là nhằm xác định vai trò, trách nhiệm, đối tượng cụ thể trực tiếp liên quan, ngăn chặn việc một số cơ quan, đối tượng dùng nhiều “chiêu thuật” cố tình “né tránh” KTNN bằng các hoạt động thanh tra, kiểm tra hay kiểm toán nội bộ có tính chất “dễ thoả thuận” hoặc đỡ quan ngại hơn khác.

Việc bổ sung quy định KTNN có quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia; quy định về quan hệ phối hợp với cơ quan thanh tra để tránh chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động của KTNN là cần thiết để cho phép KTNN có được nguồn dữ liệu cần thiết và chính xác để thẩm định, đánh giá và phân tích nghiệp vụ. Hơn nữa, những quy định đó được kết hợp với bổ sung quy định bảo đảm chất lượng kiểm toán và quyền KTNN được quyết định kiểm toán đột xuất khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng là để tránh cả 2 trường hợp: Ngăn chặn những hành vi tắc trách hoặc cản trở trong hoạt động kiểm toán; Ngăn chặn tình trạng lách luật, đơn vị được kiểm toán dựa vào quy định số lần được kiểm toán, thanh tra tối đa trong năm để qua mặt cơ quan chức năng, chỉ cố tình sai phạm sau khi đã trải qua đợt kiểm tra, kiểm toán định kỳ được thông báo trước đó.

Đồng thời, cùng với việc bổ sung quyền xử lý vi phạm hành chính, ban hành văn bản quy pháp pháp luật của KTNN và quy định về quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán... giúp cho việc bảo đảm công bằng và tăng trách nhiệm của cả KTNN và các đơn vị, cơ sở, cá nhân thuộc đối tượng của KTNN.

Hoàn thiện Luật luôn là một quá trình. Vấn đề sửa Luật không phải là nhằm mục tiêu khẳng định “ai có quyền to hơn ai”, mà là ở chỗ: việc sửa đổi Luật càng có tính hệ thống và đồng bộ, triệt để và nhanh chóng bao nhiêu, càng cho phép rút ngắn bấy nhiêu quá trình đạt tới mục tiêu nâng cao chất lượng cả về Luật, cả về thực thi Luật KTNN; cho phép nhận diện, ngăn chặn, trừng phạt kịp thời và giảm thiểu các hành vi lạm dụng quyền lực gây thất thoát tài sản công, trừng trị nghiêm khắc những hành vi tham nhũng trong quản lý, sử dụng tài chính công và đầu tư công.

Đây là trách nhiệm nặng nề của các đại biểu Quốc hội và cũng là kỳ vọng chung của cử tri cả nước đặt vào Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 mới khai mạc sáng 21/10.

TS. NGUYỄN MINH PHONG - Chuyên gia Kinh tế
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 24-10-2019