Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm nguồn lương hưu khi về già

Xã hội - Ngày đăng : 16:42, 24/10/2019

(BKTO)- Cùng với chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, sự ra đời của chính sách BHXH tự nguyện được kỳ vọng sẽ khỏa lấp lỗ hổng chính sách an sinh, tạo cơ hội cho người lao động, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức có thể tham gia BHXH và nhận lương hưu khi về già.


                
   

Người lao động tham gia BHXH sẽ được nhận lương hưu khi về già- Ảnh: Báo Lâm Đồng

   
Lao động tự do vẫn có thể nhận lương hưu

Tại Việt Nam, lao động phi chính thức chiếm tới 57%, tương đương 18 triệu người, góp phần quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên, đây lại là lực lượng lao động chịu nhiều thiệt thòi, nhiều rủi ro trong công việc, cuộc sống.

Mặc dù lao động trong khu vực phi chính thức chiếm tỷ lệ cao nhưng pháp luật hiện hành vẫn chưa quy định cụ thể, trực tiếp điều chỉnh nhóm đối tượng này. Do đó, trong Dự thảo Bộ luật Lao động đang được sửa đổi, bổ sung, quy định mới cũng hướng đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động, thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực không có quan hệ lao động sang khu vực có quan hệ lao động, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để người lao động không có quan hệ lao động được áp dụng một số tiêu chuẩn, điều kiện, tiền lương, an toàn lao động, vệ sinh lao động, BHXH và bảo vệ một số đối tượng.

Trong khi những quy định pháp luật hiện hành về lao động ở khu vực phi chính thức còn nhiều bất cập, Nhà nước cũng chú ý đảm bảo và tạo cơ hội cho các đối tượng lao động này được tham gia vào hệ thống an sinh xã hội. Điển hình là sự ra đời của chính sách BHXH tự nguyện dành cho các đối tượng lao động (trừ nhóm đang tham gia BHXH bắt buộc). Thực tế, do không có việc làm ổn định, không ít người đã lựa chọn tham gia BHXH dưới phương thức tự nguyện để có đồng ra đồng vào khi về già. Theo quy định tại Điều 73 Luật BHXH năm 2014, người tham gia BHXH tự nguyện được nhận lương hưu khi tham gia BHXH tự nguyện thời gian từ đủ 20 năm.

Nhận thức được vai trò và lợi ích của BHXH tự nguyện, số người tham gia loại hình BHXH này ngày càng tăng cao. Điều này được thể hiện rõ qua con số thống kê của BHXH Việt Nam. Theo đó, đến hết tháng 9, cả nước đã vận động được 463.105 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 94,4% kế hoạch giao, tăng 26.017 người so với tháng 8/2019, và tăng 192.326 người so với tháng 12/2018; theo kế hoạch mục tiêu trong ba tháng cuối năm phải phát triển tiếp 27.600 người. Những con số đó cho thấy, công tác phát triển BHXH tự nguyện đã đạt những kết quả tích cực. Nhiều địa phương phát triển được số người tham gia BHXH tự nguyện cao so với tỷ lệ chung, điển hình như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương và Sơn La.

Người nhận lương hưu không lo thiệt thòi khi tăng lương

Trên thực tế, người tham gia BHXH nói chung sau khi nghỉ hưu đều được đảm bảo nhận mức lương hưu tương xứng với số tiền BHXH đã đóng. Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn khi các chính sách về lương thay đổi, thì người nhận lương hưu có bị thiệt thòi?

Trả lời câu hỏi này ông Trần Hải Nam- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) thông tin: Theo Luật BHXH năm 2014 quy định, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với NSNN và Quỹ BHXH.

Trong những năm vừa qua, cùng với việc thực hiện quy định của Luật BHXH và các Nghị quyết của Quốc hội về giao dự toán NSNN hằng năm, có thể thấy, lương hưu thường được điều chỉnh tăng cùng với tốc độ tăng tiền lương của người tại chức (tăng cùng tỷ lệ tăng lương cơ sở). Việc điều chỉnh này còn tính đến năng suất lao động, chi phí về giá cả, sinh hoạt; do đó đã cao hơn rất nhiều so với chỉ số giá tiêu dùng. Theo thông lệ chung các nước, việc tăng lương chỉ điều chỉnh trên cơ sở giá, để bảo đảm giá trị đồng tiền khi lạm phát. Nhưng ở nước ta, chính sách điều chỉnh lương hưu còn tính toán đến nhiều yếu tố khác, có lợi hơn với người lao động.

Như vậy, mức lương hưu của người nghỉ hưu cao hay thấp phụ thuộc vào mức đóng và thời gian đóng góp của người lao động. Cũng theo ông Nam, khi lạm phát thì lương hưu cũng bị giảm giá trị do mất giá đồng tiền. Lúc này, việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở yếu tố về chỉ số lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng theo tỷ lệ tương ứng bù lại để giá trị lương hưu được bảo toàn là hoàn toàn phù hợp.

Riêng đối với việc điều chỉnh tăng thêm dựa trên tăng trưởng kinh tế, ông Nam cho rằng, cần có sự công bằng, như nhau đối với tất cả mọi người, chia sẻ phúc lợi tăng thêm trên cơ sở tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp cùng với các Bộ, ngành đánh giá, hoàn thiện chính sách này để trong thời gian tới có cơ sở thực hiện.

LỘC NGUYỄN