Việt Nam thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục về IUU
Kinh tế - Ngày đăng : 15:49, 25/10/2019
(BKTO)- Ngay sau khi Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU) vào ngày 23/10/2017, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp để khắc phục và đến nay, các nỗ lực đó đang thu được kết quả khả quan.
Ảnh minh họa - Nguồn: internet. |
Trước việc EC cảnh báo “Thẻ vàng”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Ban, Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố và cả hệ thống chính trị đã tập trung vào cuộc chỉ đạo, đề ra các giải pháp quyết liệt để khắc phục các khuyến nghị của EC.Việt Nam đã xây dựng được Luật Thủy sản và được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2017, đã luật hóa các quy định của Điều ước quốc tế, đặc biệt là các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
Để triển khai Luật Thủy sản năm 2017, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản đã được xây dựng bao gồm: 2 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 8 Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Chỉ thị, 3 Công điện, 4 Quyết định; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 13 Quyết định phê duyệt các chương trình, kế hoạch về chống khai thác IUU; 28 văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn địa phương khắc phục các tồn tại về chống khai thác IUU.
Đặc biệt, ngày 20/5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 596/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban, thành viên bao gồm Lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan và Lãnh đạo UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Đến nay, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống khai thác IUU đã tổ chức họp lần thứ nhất ngày 21/6/2019; họp với Bộ Quốc phòng ngày 12/9/2019; họp Ban Chỉ đạo lần hai ngày 15/10/2019 để chỉ đạo các giải pháp chống khai thác IUU.
Đánh giá về kết quả thực hiện các giải pháp khắc phục IUU, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: “Hiện Việt Nam đang nỗ lực triển khai 4 giải pháp mà EC khuyến cáo. Đó là khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác”.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cho đến nay, hệ thống luật pháp đã được thể hiện rất rõ trong Luật Thuỷ sản năm 2017, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cụ thể hoá qua 2 Nghị định và 8 Thông tư. Bên cạnh đó, hệ thống theo dõi, giám sát, quản lý tàu đánh bắt thuỷ sản vào- ra trên biển đã được triển khai lắp ở tất cả các địa phương và đang được nỗ lực kiểm soát.
Về các công việc triển khai cụ thể, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh: “Đối với hệ thống cảng cá, bến cá, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố loại 1, loại 2 để thực hiện truy xuất nguồn gốc; các kho bãi, kho đông lạnh đều được đưa vào quy hoạch. Đặc biệt là việc thông tin tuyên truyền đã được làm rất tích cực từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hội thảo, diễn dàn để làm sao bà con ngư dân chủ động, tự giác thực hiện Luật Thuỷ sản 2017, dần chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm”.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, dự kiếnĐoàn Thanh tra của Tổng vụ Biển và Thủy sản châu Âu (DG- MARE)sẽ làm việc tại Việt Nam từ ngày 4 đến 14/11/2019 đểkiểm tra việc khắc phục thẻ vàng của Việt Nam.
NAM SƠN (Tổng hợp)