Xử lý vi phạm quảng cáo ngoài trời: Lấp “lổ hổng” quy hoạch
Xã hội - Ngày đăng : 10:00, 08/09/2016
(BKTO) - Tình trạng vi phạm quảng cáongoài trời (gọi chung là quảng cáo) tại các thành phố đang gây ảnh hưởng nghiêmtrọng tới trật tự, an toàn giao thông và văn minh đô thị. Một trong những nguyênnhân khiến cho các vi phạm này ngày càng gia tăng, theo các chuyên gia, là do việcquy hoạch quảng cáo chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, dù Luật Quảng cáo đãcó hiệu lực thi hành từ nhiều năm nay.
Đô thị méo mó, nhếch nhác vì bảng quảng cáo vi phạm
Cùng với các đô thị lớn trên cả nước, TP. Hà Nội là địa phương điển hình về sự sôi động của hoạt động quảng cáo, trong đó có cả tình trạng vi phạm quảng cáo. Theo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra liên ngành do Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội chủ trì, tính đến cuối tháng 7, trên địa bàn TP có 190 bảng quảng cáo đứng độc lập và 149 bảng quảng cáo hộp đèn trên dải phân cách vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động quảng cáo, cần xử lý triệt để. Tính đến ngày 30/8, các cơ quan chức năng đã tháo dỡ 25/190 bảng quảng cáo đứng độc lập và 73/149 bảng quảng cáo hộp đèn trên dải phân cách. Sở VH&TT Hà Nội đã phải phun dấu “vi phạm” vào các baner như một hình thức cảnh báo với các đơn vị tổ chức và ngày 3/9 là hạn chót tháo dỡ bảng quảng cáo vi phạm trên địa bàn Hà Nội nhưng thực tế, đã gần 1 tuần trôi qua, số trường hợp vi phạm bị xử lý vẫn quá ít ỏi.
Lập quy hoạch về quảng cáo là việc làm cần thiết.Ảnh: TS
Lo ngại về tình trạng quảng cáo biến tướng, gây ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về nguồn thu từ các hoạt động quảng cáo thực chất là bao nhiêu và được sử dụng ra sao, khi hoạt động kinh doanh này đang diễn ra trên chính tài sản công? Chưa kể, hoạt động quảng cáo thường không có khung giá chuẩn dẫn đến việc giá trị thực của hợp đồng quảng cáo cũng chưa bao giờ được công khai. Do đó, để lý giải vì sao hoạt động quảng cáo, dù vi phạm tràn lan song vẫn tồn tại luôn là câu hỏi khó với chính các cơ quan chức năng.
Trước đó, tình trạng biển hiệu quảng cáo tiếng Nga, tiếng Trung Quốc ở Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) được phát hiện sử dụng tràn lan; mới đây là tình trạng biển hiệu tiếng Trung Quốc xuất hiện tại tỉnh Bắc Ninh vi phạm Luật Quảng cáo khiến dư luận xã hội bức xúc. Khi trao đổi với báo chí, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã phân trần rằng, Sở đã rất quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm về quảng cáo, trong đó có quy định về tiếng nói, chữ viết… theo Luật Quảng cáo, nhưng không hiểu sao các “phố Tàu” vẫn… tái xuất? Còn theo lý giải của Sở VH&TT TP. Hà Nội, trước đây, nhiều cơ quan cùng quản lý hoạt động quảng cáo. Chính sự chồng chéo về trách nhiệm quản lý đã tạo kẽ hở cho vi phạm tồn tại.
Sớm ban hành quy hoạch về quảng cáo
Để chấn chỉnh những vi phạm về quảng cáo, từ năm 2016 TP. Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời. Trong đó đưa ra quy định cấm và hạn chế quảng cáo ở một số khu vực; đồng thời, để tránh tình trạng chồng chéo về trách nhiệm quản lý, TP cũng giao Sở VH&TT làm đầu mối chủ trì cấp phép, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo nói chung.
Dưới một góc nhìn khác, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Trần Hùng cho rằng, nếu coi việc quy hoạch quảng cáo là căn cứ để quản lý hoạt động quảng cáo, thì đến nay căn cứ này “rất mong manh”. Luật Quảng cáo đã năm 2012 đã có hiệu lực từ tháng 1/2013 nhưng cho tới thời điểm hiện tại, Sở VH&TT TP vẫn chưa xây dựng được quy hoạch quảng cáo cũng như hướng dẫn thực hiện cụ thể phù hợp với đặc thù của Thủ đô.
Đối với các trường hợp quảng cáo vi phạm hiện đang bị TP đặt trong “tầm ngắm” xử lý, ông Trần Hùng cho rằng, cần phân loại vi phạm và tùy mức độ để xử phạt. Chẳng hạn, với các biển quảng cáo thuộc quy hoạch cũ nay vẫn thuộc diện chờ quy hoạch mới, liệu có được xem là vi phạm? Với biển quảng cáo do quận, huyện cấp phép theo hình thức xã hội hóa, nên để cho họ có thời gian thu hồi vốn thay vì xử lý kiểu đánh đồng, gây khó khăn cho đơn vị quảng cáo. “Hiệp hội nhất trí phương án kiên quyết xử lý biển quảng cáo làm vô tổ chức, không phép. Tuy nhiên, đề nghị TP làm rõ tính chất, mức độ, nguyên nhân vi phạm để DN phải phục”.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội đưa ra đánh giá bức tranh quảng cáo tại Thủ đô Hà Nội hiện nay đang khá lộn xộn, do thiếu quy hoạch về quảng cáo, trong khi quy hoạch cũ đã lỗi thời. “Chỉ khi có quy hoạch cụ thể thì tình trạng lộn xộn của các loại quảng cáo mới có khả năng được chấn chỉnh” - ông Nghiêm nhấn mạnh. Cũng theo Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, chuyện quy hoạch quảng cáo không chỉ là của riêng Hà Nội, mà các đô thị khác trên cả nước cũng cần quan tâm. “Đừng để đến khi xử lý đơn vị quảng cáo vi phạm, chính các cơ quan chức năng phải “mắc quai” vì chưa thực hiện việc lập quy hoạch quảng cáo” - ông Nghiêm nói thêm.
NGUYỄN LỘC