Chưa phát huy hết hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế ven biển

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:25, 28/10/2019

(BKTO) - Qua kiểm toán Chuyên đề Đánh giá hiệu quả của các chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế (KKT) ven biển năm 2018, KTNN cho rằng, các KKT ven biển được kiểm toán (Đình Vũ - Cát Hải, Chu Lai, Nhơn Hội, Vân Đồn, Định An, Chân Mây - Lăng Cô, Vũng Áng, Đông Nam Nghệ An, Dung Quất, Nam Phú Yên, Nghi Sơn, Năm Căn, Vân Phong) đã góp phần thúc đẩy, mang lại hiệu quả cao cho phát triển kinh tế - xã hội trong và ngoài KKT. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đầu tư tại các KKT còn nhiều bất cập, hạn chế dẫn tới chưa phát huy hết hiệu quả của các chính sách ưu đãi đầu tư.



Khu kinh tế biển Chu Lai. Ảnh: TTXVN

Thực trạng của các khu kinh tế ven biển

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 31/12/2017, trên cả nước có 17 KKT ven biển với tổng diện tích khoảng 719.418 ha mặt đất và mặt nước biển. Nếu phân theo khu vực thì vùng Đồng bằng sông Hồng có 3 KKT; vùng Duyên hải miền Trung có 11 KKT và miền Nam có 3 KKT. Trong 17 KKT này, có 34 khu công nghiệp, khu phi thuế quan được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 15.600 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 7.500 ha, chiếm khoảng 48% tổng diện tích đất tự nhiên.

Qua khảo sát của Đoàn kiểm toán KTNN, tính đến năm 2018, có 14 khu công nghiệp, khu phi thuế quan tại các KKT ven biển trên cả nước đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 4.000 ha. Cùng với đó, có 20 khu công nghiệp, khu phi thuế quan đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 3.500 ha. Tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trong các KKT ven biển đạt 30.000 ha, chiếm 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Với diện tích lớn, thời gian thành lập chưa lâu nên các KKT đều đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Thông tin Đoàn kiểm toán thu thập được cũng cho biết, tính đến ngày 31/12/2017, nguồn vốn đầu tư từ NSNN cho các KKT ven biển là 28.960 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách T.Ư có mục tiêu là 22.301 tỷ đồng, vốn trái phiếu chính phủ là 654 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 6.005 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư từ các DN nước ngoài đăng ký là 1.370 triệu USD, thực hiện đạt 324 triệu USD và từ các DN trong nước đăng ký là 106.153 tỷ đồng, thực hiện đạt 27.687 tỷ đồng.

Lũy kế đến ngày 31/12/2017, các KKT ven biển đã thu hút 1.719 dự án đầu tư, gồm 405 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 48.538 triệu USD, vốn đầu tư đã thực hiện 26.508 triệu USD (đạt 54,6%) và 1.314 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư đạt trên 1,03 triệu tỷ đồng, vốn đầu tư đã thực hiện 366.584 tỷ đồng (đạt 35%).

Tổng hợp tình hình của các DN đang hoạt động tại các KKT cho thấy, tính đến ngày 31/12/2017, doanh thu từ hoạt động của các DN nước ngoài và trong nước lần lượt là 12.926 triệu USD và 83.602 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 6.963 triệu USD; giá trị nhập khẩu đạt 17.438 triệu USD; nộp NSNN đạt 39.598 tỷ đồng. Do hầu hết các KKT đang trong quá trình xây dựng và phát triển nên chênh lệch giữa nhập khẩu và xuất khẩu lớn. Bên cạnh các lợi ích kinh tế, các KKT ven biển còn tạo điều kiện cho các địa phương giải quyết việc làm, thu hút lao động có trình độ tay nghề cao.

Phát hiện nhiều bất cập, hạn chế qua kiểm toán

Sau khi thực hiện cuộc kiểm toán Chuyên đề Đánh giá hiệu quả của các chính sách ưu đãi đầu tư tại các KKT ven biển năm 2018, KTNN kết luận, hiệu quả của hầu hết các KKT ven biển được kiểm toán chưa đạt mục tiêu so với Đề án thành lập. Dẫn chứng cụ thể là thu NSNN của các KKT chỉ đạt 24,7% so với mục tiêu; giải quyết việc làm phi nông nghiệp chỉ đạt 22%; kim ngạch xuất khẩu mới đạt 72%...
KTNN cũng chỉ ra rằng, quy hoạch của các KKT ven biển còn mang tính cục bộ, một số dự án không còn phù hợp với quy hoạch, nhiều dự án chậm tiến độ, do đó, tỷ lệ lấp đầy của các KKT thấp, chỉ bằng 13% so với diện tích đất đã được quy hoạch.

Hơn nữa, việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của các KKT ven biển mới chủ yếu dựa vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách T.Ư, chưa huy động được nhiều từ các nguồn lực xã hội. Cùng với đó, còn có tình trạng phân bổ, sử dụng vốn NSNN đầu tư không đúng nguyên tắc, đối tượng hỗ trợ. KTNN xác định, đã có 673,4 tỷ đồng vốn ngân sách T.Ư đầu tư được phân bổ, sử dụng không đúng nguyên tắc, đối tượng hỗ trợ theo quy định. Trong đó, số vốn được phân bổ, sử dụng không đúng cho KKT Dung Quất lên tới 254,2 tỷ đồng; KKT mở Chu Lai cũng lên tới 248,1 tỷ đồng; KKT Đình Vũ - Cát Hải là 113,2 tỷ đồng…

KTNN còn phát hiện, KKT Vũng Áng chưa thu hồi nộp NSNN các khoản ứng cho chi giải phóng mặt bằng từ nguồn ngân sách T.Ư đã quá hạn 1 năm nhưng chưa chi trả theo quy định 45,6 tỷ đồng; KKT mở Chu Lai sử dụng vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng đối với dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng không đúng quy định 20,2 tỷ đồng.

Một phát hiện kiểm toán đáng lưu ý nữa là tình trạng KKT xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, miễn, giảm tiền sử dụng đất cho một số dự án không đúng quy định. Cụ thể, số tiền được KTNN xác định không đúng quy định tại KKT Nhơn Hội là 136,9 tỷ đồng và tại KKT Đình Vũ - Cát Hải là 43,5 tỷ đồng…

KTNN cho rằng, chính sách ưu đãi đầu tư cho các KKT đã được quan tâm song đều nằm trong khung pháp luật chung cho phép đối với các DN hoạt động trong và ngoài KKT, chưa phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Ban Quản lý KKT là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước tại KKT, nhưng thẩm quyền thực hiện một số nhiệm vụ chuyên ngành về xây dựng, môi trường, đất đai… trong KKT của Ban Quản lý chưa được ủy quyền và hướng dẫn của pháp luật chuyên ngành. Qua kiểm toán, KTNN đã phải kiến nghị xử lý tài chính số tiền 303 tỷ đồng.

QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 24-10-2019