Huy động tối đa nguồn lực để phát triển giao thông nông thôn
Xã hội - Ngày đăng : 08:35, 28/10/2019
(BKTO) - Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, tiêu chí giao thông nông thôn (GTNT) đã cán đích trước hạn 1,5 năm so với mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhu cầu về vốn vẫn được xem là thách thức đối với việc xây dựng hệ thống GTNT. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động nhân dân đóng góp cho việc phát triển GTNT.
Ảnh: Thái Anh
366.246 tỷ đồng xây dựng giao thông nông thôn
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, giai đoạn 2010-2019, tổng các nguồn vốn được huy động dành cho GTNT là 366.246 tỷ đồng. Trong đó, 12.707 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, đối ứng của Chính phủ và đóng góp của tổ chức, cá nhân bằng hình thức xã hội hóa (XHH). Với tổng số vốn huy động được trong giai đoạn này, cả nước đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và bảo trì sửa chữa 345.897 km đường, 31.364 cầu, 125.639 cống; giảm sâu số xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã từ 140 xã năm 2010 xuống còn 13 xã năm 2019; tăng tỷ lệ cứng hóa các loại đường GTNT từ 37,9% năm 2010 lên 68,69% năm 2019. Số xã đạt 4/4 tiêu chí về đường GTNT đạt 63,2%, vượt kế hoạch trước 1,5 năm so với mục tiêu đặt ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (chỉ tiêu là 55% số xã đạt 4/4 chỉ tiêu này vào năm 2020).
Tuy nhiên, hệ thống GTNT ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vẫn còn nhiều khó khăn. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, cả nước hiện vẫn còn 13 xã chưa có đường ô tô đi đến trụ sở UBND; 101 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã nhưng không đi lại được 4 mùa; tại nhiều xã, một số tuyến đường chưa được cứng hóa lớp mặt, nên việc đi lại còn khó khăn, nhất là trong mùa mưa, lũ. Bên cạnh đó, nhu cầu về vốn tiếp tục là thách thức đối với việc xây dựng hệ thống GTNT. Khu vực nông thôn, nhất là miền núi có địa hình phức tạp, chia cắt, độ dốc lớn, núi cao, sông suối nhiều, mật độ dân cư thưa, chiều dài các tuyến đường lớn nên nhu cầu về vốn cao. Trong khi đó, ngân sách của địa phương eo hẹp, thu nhập của người dân những khu vực này còn thấp.
Bài học từ huy động sức dân
Là một trong những tỉnh có kết quả xây dựng hạ tầng GTNT dẫn đầu cả nước, trong 10 năm qua, tỉnh Nam Định đã vận động các hộ dân đóng góp 2.897 ha đất nông nghiệp (giá trị khoảng 5.800 tỷ đồng), hiến 206 ha đất thổ cư (giá trị trên 1.000 tỷ đồng). Nam Định được xem là điểm sáng về việc giải phóng mặt bằng không cần hỗ trợ, đền bù được các Bộ, ngành đánh giá cao. Đến năm 2018, Nam Định đã có 100% xã đạt tiêu chí GTNT, tăng 98,1% so với năm 2010.
Chia sẻ về kinh nghiệm trên, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định Trần Văn Công cho hay, khi bắt đầu triển khai Chương trình Xây dựng nông thôn mới, Nam Định cũng gặp những khó khăn chung; trong đó phải kể đến hệ thống đường giao thông hư hỏng, xuống cấp, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông hạn chế. Trước tình hình đó, nhiều giải pháp đã được đề ra, trong đó công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp là giải pháp được tỉnh ưu tiên để giải quyết khó khăn về mặt bằng. Qua đó, phong trào “Hiến đất, góp đất, đóng góp kinh phí làm đường GTNT” phát triển sâu rộng đến từng thôn, làng, khu phố, hộ gia đình.
Tại các tỉnh miền núi, “bê tông hóa” đường nông thôn còn khó khăn hơn gấp bội. Ông Nguyễn Trung Dũng - Phòng Quản lý giao thông (Sở GTVT Lào Cai) - chia sẻ, các tỉnh miền núi có địa hình trải dài, dân cư thưa thớt nên suất đầu tư công trình đường GTNT miền núi rất lớn. Trước thực tế đó, tỉnh Lào Cai đã ban hành cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm các tuyến đường mở mới. Nhà nước sẽ hỗ trợ vật liệu xây dựng, người dân tự bàn bạc, đóng góp nhân công triển khai. Với người dân thuộc dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế, cách vận động xây dựng cũng được thực hiện theo hướng trực quan, thực tế. “Đi trên một số tuyến đường được bê tông hóa, họ sẽ thấy xe máy chở được nhiều nông sản hơn, tỷ lệ hỏng xe ít hơn, từ đó họ thấy được lợi ích chính đáng, tự tuyên truyền với nhau, sẵn sàng chia sẻ với chính quyền và ngành chức năng” - ông Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhìn nhận, thời gian qua, việc huy động các nguồn lực và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành vận động nhân dân các địa phương trong việc xây dựng hệ thống GTNT đều thực hiện tốt. Tuy nhiên, nhiệm vụ thời gian tới rất nặng nề, phấn đấu năm 2020 có 55% xã trên cả nước đạt chuẩn giao thông, đến năm 2025 tỷ lệ này nâng lên 75%, đến năm 2030 lên 95%. Để thực hiện được mục tiêu này, ngành GTVT sẽ quyết tâm thực hiện tốt nhất các chỉ đạo của T.Ư, huy động các nguồn lực không chỉ nguồn vốn ODA, vốn ngân sách mà còn đẩy mạnh việc huy động nguồn lực từ nhân dân để phát triển GTNT.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 24-10-2019