Tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 08:45, 28/10/2019
(BKTO) - Với tựa đề “Năng lực cạnh tranh của ngành chế biến, chế tạo”, Sách trắng Công nghiệp Việt Nam 2019 do Bộ Công Thương và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) thực hiện, công bố ngày 22/10 được kỳ vọng sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và cộng đồng DN, cũng như hỗ trợ quá trình phân tích, hoạch định chính sách công nghiệp.
Cải thiện vị trí trên bảngxếp hạng
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Mức đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo vào GDP đã tăng từ 12% năm 2010 lên 16% năm 2018; tạo ra 9,7 triệu việc làm và luôn duy trì mức đóng góp trên 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam suốt 10 năm qua.
Sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã giúp Việt Nam nhanh chóng cải thiện được vị trí trên Bảng xếp hạng cạnh tranh công nghiệp toàn cầu do UNIDO công bố hằng năm, thu hẹp đáng kể khoảng cách của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Cụ thể, theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh công nghiệp (CIP) của UNIDO năm 2018, Việt Nam xếp thứ 42 trên toàn cầu và xếp thứ 5 trong nhóm các nước Nam và Đông Nam Á. Chỉ số này cho thấy sự cải thiện đáng kể của Việt Nam, từ vị trí thứ 69 vào năm 2006 đã tăng lên 25 bậc sau 10 năm. Tuy nhiên, Báo cáo của UNIDO cũng chỉ ra một vấn đề đáng lưu ý, sự cải thiện chủ yếu đến từ khía cạnh xuất khẩu mà chưa có đóng góp của giá trị gia tăng. Đáng quan ngại hơn là giá trị gia tăng của ngành chế biến, chế tạo năm 2016 chỉ chiếm 14,3% GDP, giảm so với mức 19,4% năm 2006, trong khi tỷ lệ này của khu vực Đông Nam Á là 20,9%.
Trong sự cải thiện của xuất khẩu, các chuyên gia biên soạn Sách trắng cũng chỉ ra vấn đề xuất khẩu ngành chế biến, chế tạo tăng lên trong giai đoạn 2006-2016 với tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến, chế tạo trong tổng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn so với Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia nhưng hàm lượng nội địa trong xuất khẩu lại giảm từ 56% năm 2006 xuống còn 52% vào năm 2015.
Do đó, để duy trì tốc độ tăng trưởng, cải thiện hơn nữa vị trí trong Bảng xếp hạng cạnh tranh công nghiệp toàn cầu và bắt kịp các nước trong khu vực trong thời gian tới, các chuyên gia nhận định, công nghiệp Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, nhất là những thách thức đến từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu trước xu hướng bảo hộ và cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ - Trung Quốc).
“Những thách thức này đặt ra yêu cầu cho ngành công nghiệp Việt Nam phải duy trì và cải thiện hơn nữa các kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt chú trọng đến các chỉ số phản ánh quy mô và chất lượng giá trị gia tăng trong các ngành chế biến, chế tạo” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Hỗ trợ Việt Nam phát huythế mạnh, khắc phục hạn chế
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Trưởng Nhóm soạn thảo Sách trắng, việc xây dựng Sách trắng là một trong những nỗ lực của Bộ Công Thương hướng tới thực hiện Nghị Quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên cơ sở phân tích nhiều lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, Sách trắng đã đưa ra các kiến nghị chính sách nhằm đạt được mục tiêu thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng và cải tiến công nghệ, có tính đến tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng già hóa dân số. Trong đó, Sách trắng khuyến nghị Chính phủ cần chú trọng tăng cường năng lực trong nước, phát triển mối liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với hệ thống sản xuất nội địa và thúc đẩy hiệu suất của ngành chế biến, chế tạo.
Đề cập đến các công cụ hữu ích trong phân tích và hoạch định chính sách công nghiệp chế biến, chế tạo, bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện Văn phòng UNIDO tại Việt Nam bày tỏ hy vọng bộ công cụ Tăng cường chất lượng chính sách công nghiệp (EquIP) và Nền tảng phân tích dữ liệu công nghiệp (IAP) của UNIDO sẽ được các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam tiếp tục sử dụng để xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp bền vững và bao trùm, đánh giá hiệu quả thực hiện dựa trên bằng chứng.
Thực tế, 2 năm vừa qua, UNIDO đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các khóa đào tạo cho các cán bộ của Việt Nam để có thể làm chủ được bộ công cụ phân tích đánh giá chính sách, tính toán và nhận thức được hàm ý chính sách của các chỉ số cạnh tranh công nghiệp để ứng dụng các công cụ này trong quá trình hoạch định chính sách sát với thực tiễn và khoa học. Việc sử dụng các chỉ số này còn cho phép lập chuẩn đối sách Việt Nam với các nước trong khu vực để xác định điểm mạnh, điểm yếu so với các nước, từ đó xây dựng các chính sách phù hợp, tận dụng được lợi thế cạnh tranh của Việt Nam - bà Thảo cho biết.
Cam kết hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam, ông Kim Eui Joong - Tham tán Thương mại của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội - nhấn mạnh, Hàn Quốc luôn sẵn sàng tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam thông qua những kiến nghị tăng cường sức mạnh hiện tại, khắc phục những thách thức, giúp đưa ra những giải pháp để tránh rơi vào bẫy nước thu nhập trung bình thấp và định hướng phát triển nền kinh tế công nghiệp hóa.
PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 24-10-2019