Sớm hiện thực hóa thanh toán bằng tài khoản viễn thông

Đầu tư - Ngày đăng : 08:55, 28/10/2019

(BKTO) - Thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt đang là xu thế tất yếu trong thời đại số hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0. Thời gian qua, mặc dù loại hình thanh toán này ở nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng nhưng 90% các giao dịch vẫn sử dụng tiền mặt. Để thay đổi thói quen này, điều quan trọng là phải tạo cho người dân được trải nghiệm các tiện ích và bắt kịp với xu thế của thế giới.



Việc áp dụng Mobile money sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển thanh toán điện tử. Ảnh: P.Tuân

Tiền mặt vẫn là “vua”ở Việt Nam

Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, Đặng Hoàng Hải, 6 tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch thanh toán điện tử tăng 30%, giá trị giao dịch tăng 18% và thanh toán qua internet tăng 238%. Tuy nhiên, hầu hết các mảng giao dịch hiện không có sự đồng đều. Thống kê cho thấy, đến nay, rất nhiều lĩnh vực thanh toán điện tử còn khá yếu và phổ biến theo hình thức dùng tiền mặt (giao hàng rồi nhận tiền - COD). Theo ông Hải, thanh toán bằng tiền mặt đã tạo ra sự bùng nổ của phát triển thương mại điện tử trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc thanh toán này sẽ làm xói mòn niềm tin giữa người tiêu dùng và các nhà kinh doanh, là rào cản đối với thương mại điện tử.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel Phạm Trung Kiên thừa nhận, năm 2019, mặc dù Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thanh toán điện tử số 1 thế giới song tiền mặt vẫn là “vua” ở Việt Nam, vẫn chiếm tới 90% giao dịch. Hầu hết số lượng và giá trị giao dịch mới đang dừng lại ở những loại hình đơn giản như: chuyển tiền, thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại và truyền hình.

Việt Nam có lợi thế dân số trẻ và Chính phủ đã đưa ra các khung chính sách nhằm khuyến khích phát triển thanh toán điện tử. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) Phùng Anh Tuấn cho rằng, để DN và người tiêu dùng có thể tham gia, đẩy mạnh thanh toán điện tử, cần hiện thực hóa và quy định bằng những chính sách cụ thể.

Ông Tuấn cho hay, xu hướng mới trên thế giới là bên cạnh ngân hàng truyền thống, còn có ngân hàng điện tử và các đơn vị trung gian thanh toán. Điều này khiến độ phổ biến của thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng hoặc qua các phương tiện khác trở nên cực kỳ dồi dào và phát triển. Đây không chỉ là quyết định của một cá nhân, một công ty mà còn là xu hướng toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bắt kịp xu hướng đó, bởi cuộc chơi thanh toán không chỉ dừng ở trong biên giới quốc gia mà là quốc tế. Nếu chúng ta muốn phát triển, đủ khả năng cạnh tranh thì phải chơi cuộc chơi theo quy luật quốc tế.

Thanh toán bằng tài khoản viễn thông - xu hướng chung của thế giới

Trên thực tế, để thúc đẩy thanh toán điện tử, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, để Đề án thực sự đi vào cuộc sống, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, điều quan trọng là phải tạo cho người dân được trải nghiệm để họ thấy lợi ích của việc không dùng tiền mặt.

Để đạt được điều này, người đứng đầu Dịch vụ số Viettel cho rằng, điều kiện cần thiết đầu tiên là phải phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, tạo thuận lợi cho các giao dịch, đảm bảo an toàn, nhanh chóng và thuận tiện. Đặc biệt, theo ông Kiên, thanh toán bằng tài khoản viễn thông (Mobile money) là xu hướng chung của thế giới. Đối với Việt Nam, tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ rất lớn, điều này cũng phù hợp với một quốc gia mà % dân số có tài khoản ngân hàng còn chiếm tỷ lệ tương đối thấp. Việc phát triển hình thức thanh toán này là cơ hội rất lớn cho ngành ngân hàng. Bởi, thanh toán bằng tài khoản viễn thông áp dụng với các đơn hàng có giá trị nhỏ, từ cốc cà phê, bánh xà phòng, bữa ăn sáng… Đây là những món hàng mà rất ít người sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán. Khi tạo cho người dân thói quen rút điện thoại trả tiền cho những món hàng giá trị nhỏ, thì dần dần đối với những món hàng giá trị lớn như xe máy, ô tô… người dân sẽ điện tử hóa và khi đó, cách duy nhất là ngân hàng.

Thậm chí, ông Kiên còn khẳng định: Hiện các nhà mạng đã sẵn sàng để triển khai thanh toán bằng tài khoản viễn thông với mục tiêu bảo đảm tiện lợi nhất cho người sử dụng. Riêng Viettel, nhà mạng này đã có 8 năm triển khai thanh toán điện tử với các dịch vụ được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, thẩm định. Bởi vậy, ông Kiên kỳ vọng, việc Thủ tướng đồng ý chủ trương thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ bằng tài khoản viễn thông sẽ tạo sự bùng phát cho thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.

Đại diện Bộ chủ quản, ông Đặng Hoàng Hải cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện có rất nhiều báo cáo đánh giá, đặc biệt là báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước phân tích về tất cả rủi ro cũng như hiện thực hóa việc thanh toán thông qua tài khoản viễn thông. Mới đây, Bộ Công Thương đã nhận được góp ý cho Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có những điều khoản là tiền đề cho việc thanh toán qua tài khoản viễn thông. Ông Hải cho rằng, với tất cả sự chuẩn bị sẵn sàng, chúng ta sẽ sớm có một hành lang pháp lý tốt để có thể thực hiện thanh toán bằng tài khoản viễn thông.

Theo các chuyên gia, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, Trung Quốc đi sau Mỹ về độ phủ ngân hàng, nhưng nhờ thanh toán điện tử họ trở thành đi đầu và vượt xa các nước về thanh toán điện tử. Thậm chí, người dân thanh toán hàng hóa bằng điện thoại, mã QR... Cho nên, tối đa hóa kênh, phương tiện cho thanh toán điện tử để người tiêu dùng không phải dùng giấy tờ, xếp hàng hay quá nhiều bước xác thực... sẽ là cách thức nhanh nhất để lôi kéo người dùng sử dụng các phương tiện thanh toán mới, trong đó có Mobile money, qua đó thúc đẩy thanh toán điện tử ngày càng phát triển.

XUÂN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 24-10-2019