Nâng cao vai trò, năng lực của khu vực kinh tế tư nhân
Đối nội - Ngày đăng : 11:06, 31/10/2019
(BKTO) - Nhấn mạnh kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và NSNN sáng 30/10, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò, năng lực đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào sự phát triển kinh tế- xã hội.
Tạo đột phá về cơ chế chính sách
Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đánh giá, kinh tế tư nhân vẫn phát triển dưới dạng tiềm năng, chưa bứt phá được để trở thành trụ cột mới của nền kinh tế.
Đặt vấn đề, Nhà nước cần làm gì để đồng hành cùng DN, DN tư nhân cần phải làm gì để lớn mạnh, đại biểu So cho rằng, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Mặc dù thời gian qua, có một số văn bản hỗ trợ kinh tế tư nhân nhưng phần lớn DN không thể tiếp cận, hưởng thụ nguồn ưu đãi đã được quy định.
Đại biểu Nguyễn Như So phát biểu thảo luận- Ảnh: quochoi.vn |
Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị, phải có sự đột phá về cơ chế chính sách, nhằm xóa bỏ rào cản phát triển DN tư nhân. Đây là điều kiện tiên quyết để người dân an tâm, hồ hởi, bỏ tiền ra làm ăn, gia tăng hiệu quả cho nền kinh tế. “Nhà nước cần thay đổi mạnh mẽ từ can thiệp, hỗ trợ quản lý, tăng cường nguồn lực, hỗ trợ đủ mạnh về đất đai, nguồn vốn tín dụng, đào tạo nhân lực liên kết với các thành phần kinh tế, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng và chất lượng cao tương xứng với tiềm năng của nó’- đại biểu So đề nghị.
Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Theo đại biểu, chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa để kinh tế tư nhân phát triển bền vững. Do vậy cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nguồn nhân lực, chất lượng gắn với phát triển khoa học - công nghệ; tăng cường hợp tác, liên kết giữa DN và cơ sở đào tạo theo đơn đặt hàng, theo quy hoạch của từng ngành, nghề địa phương.
Giải pháp tiếp theo theo đại biểu Nguyễn Như So là cần thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường đầy đủ, xây dựng quảng bá thương hiệu, tăng cường liên kết giữa các DN FDI và DN trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Nhà nước phải đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giúp DN tư nhân phát triển. Đồng thời, khuyến khích thu hút kinh tế tư nhân tham gia sâu vào các lĩnh vực mà lâu nay vốn độc quyền của Nhà nước, như thiết kế, xây dựng hạ tầng sân bay, đường cao tốc...
“Thực tế cho thấy đầu tư từ nguồn vốn tư nhân hiệu quả nhanh chóng hơn, tránh được hiện tượng tiêu cực. Do vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp, công khai, mời gọi tư nhân tham gia vào các dự án này, với cơ chế chính sách thân thiện, rõ ràng”- đại biểu So phát biểu.
Cũng theo đại biểu, cần phải đặt DN tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, hỗ trợ thị trường; đồng thời đảm bảo sự bình đẳng, tiếp cận nguồn tài nguyên, thể chế, chính sách, nguồn tín dụng của DN tư nhân.
“Khoác tấm áo” pháp lý mới cho hộ kinh doanh
Cũng đề cập đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nêu thực tế, mặc dù đã đóng góp tới 40% GDP nhưng khu vực kinh tế tư nhân đang mang một nghịch lý lớn: Trên 700 nghìn DN thuộc khu vực tư nhân đóng góp chính thức chỉ vẻn vẹn 10% GDP, còn lại 30% GDP là thuộc về 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó có 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Không có một nền kinh tế thị trường nào mà có khu vực bán chính thức và phi chính thức lớn như vậy.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu thảo luận- Ảnh: quochoi.vn |
Theo đại biểu Lộc, về bản chất, hộ kinh doanh cá thể chính là một loại hình DN nhỏ và siêu nhỏ, nhưng do chưa được định danh rõ ràng về mặt pháp lý nên với bên ngoài hộ kinh doanh đang bị hạn chế về quyền kinh doanh, trong nội bộ thì hộ kinh doanh đang thiếu vắng một khung khổ quản trị có hiệu quả và không rõ ràng về trách nhiệm của các cá nhân tham gia. Quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh thiếu minh bạch, hộ kinh doanh không được thúc đẩy để hỗ trợ lớn lên. Hoạt động kinh doanh của các hộ này đang là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng vặt.
Để giải quyết vấn đề này, đại biểu nhấn mạnh, chúng ta không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không thể ép hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN mà chỉ có thể “khoác một tấm áo pháp lý mới” cho hộ kinh doanh, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa để góp phần thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả của hộ kinh doanh trong nền kinh tế.
Đ. KHOA