Tăng cường phối hợp giữa cơ quan KTNN với các bên liên quan
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:55, 01/11/2019
(BKTO) - Ngày 31/10, tại Hà Nội, KTNN phối hợp với Dự án EU-PFMO của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Dự án Expertise France tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế tăng cường phối hợp với các bên liên quan. Đây là Hội thảo cuối cùng trong chuỗi 3 hội thảo của Kế hoạch hành động năm 2019 của Dự án EU-PFMO - Hợp phần 1.
Quanh cảnh Hội thảo. Ảnh: H.Thoan |
Về phía khách mời trong nước có bà Hồ Vân Nga- Trưởng ban Kinh tế Ngân sách của HĐND TP. Hà Nội; các đại diện đến từ UBND TP.Hà Nội; các lãnh đạo Vụ, các kiểm toán viên, chuyên viên của một số đơn vị trực thuộc KTNN Việt Nam.
Ông Trần Khánh Hòa- Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) và ông Lê Hoài Nam- Trưởng phòng (Vụ Tổng hợp, KTNN) đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: H.Thoan |
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đã tham luận, thảo luận về vai trò và thực tiễn phối hợp giữa KTNN với các cơ quan T.Ư, địa phương; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc phối hợp với các bên liên quan.
Chuyên gia quốc tế tham luận tại Hội thảo. Ảnh: H.Thoan |
Ông Lê Hòa Nam- Trưởng phòng, Vụ Tổng hợp (KTNN)
Những năm qua, mối quan hệ giữa KTNN với các bên liên quan đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.
Trong đó, KTNN đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thông qua việc ký các quy chế phối hợp. Về mối quan hệ giữa KTNN với Chính phủ và các đơn vị được kiểm toán, cụ thể là mối quan hệ giữa KTNN với các đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công, KTNN và các đơn vị luôn đảm bảo việc trao đổi thông tin hai chiều một cách đầy đủ, hiệu quả, minh bạch trong tất cả các khâu của quá trình kiểm toán, qua đó đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Về mối quan hệ giữa KTNN với các cơ quan truyền thông đại chúng và công chúng, KTNN đã có nhiều giải pháp tăng cường mối quan hệ này như: thành lập Phòng Quan hệ công chúng để triển khai các nhiệm vụ liên quan tới mối quan hệ giữa KTNN với công chúng; cơ cấu lại các cơ quan báo chí của ngành, đẩy mạnh hoạt động của cổng thông tin điện tử… Qua đó thể hiện tính minh bạch, công khai, củng cố niềm tin của người dân đối với công tác quản lý tài chính công, tài sản công thông qua hoạt động kiểm toán.
Mối quan hệ giữa KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra và phòng chống tham nhũng liên tục được tăng cường, nhất là trong những năm gần đây, góp phần quan trọng, tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Việc không ngừng phát triển mối quan hệ với các tổ chức quốc tế đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của KTNN cả về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và đào tạo…
Bà Hồ Vân Nga- Trưởng ban Kinh tế Ngân sách của HĐND TP.Hà Nội
Thời gian qua, công tác phối hợp giữa KTNN với Thường trực HĐND TP. Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cao hơn trong quản lý nhà nước của chính quyền Hà Nội. Vị trí, vai trò của KTNN ngày càng được các đại biểu HĐND TP. Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao.
Để tăng cường hợp nữa mối quan hệ phối hợp, 2 bên cần tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp, đặc biệt là trong việc cung cấp thông tin, những vấn đề phát sinh trong hoạt động kiểm toán hoặc trong hoạt động giám sát của HĐND TP. Hà Nội để các cơ quan có thể xử lý kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND và công tác kiểm toán của KTNN. KTNN cần tiếp tục chú trọng kiểm toán chuyên sâu một số lĩnh vực, chuyên đề mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần đặt ra cho công tác quản lý nhà nước tốt hơn; nghiên cứu và không ngừng đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động kiểm toán. Thường trực HĐND TP. Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với KTNN trong các hoạt động khảo sát, giám sát các nội dung liên quan. Hàng năm, cần tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp để bổ sung các nội dung cho phù hợp với thực tiễn, ngoài 4 nội dung đang phối hợp theo quy chế hiện nay.
Ông Edgars Korcagins- Thành viên Hội đồng Kiểm toán, Vụ trưởng KTNN chuyên ngành (KTNN Latvia)
Trong Chiến lược phát triển của KTNN Latvia giai đoạn 2018-2021 có nội dung về trao đổi thông tin. Chiến lược xác định mục tiêu cụ thể là phục vụ cho lợi ích của xã hội; hỗ trợ những đơn vị sẵn sàng làm việc trung thực và ngược lại, không khoan dung với những đơn vị sử dụng tiền thuế của người dân một cách không liêm chính. Theo đó, những nguyên tắc cơ bản trong trao đổi thông tin của chúng tôi là: thông tin nhất quán; sử dụng các công cụ phù hợp; lắng nghe và phản hồi; sử dụng minh họa trực quan; có những đại sứ nội bộ. Đối tượng để trao đổi thông tin của KTNN Latvia là Nghị viện, Chính quyền T.Ư và địa phương, các cơ quan thực thi pháp luật, công dân, phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và đồng cấp, các cán bộ của KTNN Latvia. Các công cụ được KTNN Latvia sử dụng để trao đổi thông tin gồm các cơ quan truyền thông, mạng xã hội, website, hội nghị, hội thảo, đào tạo…
Đại diện Tòa Thẩm kế Bồ Đào Nha
Trao đổi thông tin với đơn vị được kiểm toán là một quá trình diễn ra liên tục. Mở đầu quy trình kiểm toán, cần gửi công văn thông báo kiểm toán, trong đó cung cấp thông tin về phạm vi kiểm toán, ngày thực hiện dự kiến và những nội dung cần thiết khác như thành phần tổ kiểm toán, danh mục tài liệu cần cung cấp, vấn đề hậu cần. Đồng thời, cần tổ chức một cuộc họp khởi động cuộc kiểm toán, sau đó là cuộc họp tổng kết để 2 bên có thể xác nhận thông tin hoàn thiện dự thảo báo cáo kiểm toán. Dự thảo sẽ được gửi cho các đơn vị được kiểm toán để họ phản biện hoặc đưa ra thông báo chính thức. Tiếp đó, Tòa Thẩm kế sẽ thực hiện trao đổi thông tin với người dân và các tổ chức xã hội dân sự, công bố các bản tóm tắt báo cáo kiểm toán qua mạng, chủ yếu là trên website của Tòa Thẩm kế.
Bà Jennifer Brown- KTNN vương quốc Anh
Chúng tôi đã chọn các bên liên quan làm trọng tâm của hoạt động phối hợp và trao đổi thông tin vì họ là những nhân tố quan trọng đảm bảo quá trình thực thi các khuyến nghị của cơ quan KTNN; giúp chúng tôi đạt được tác động và tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất. Họ cũng có thể cung cấp thông tin và định hướng cho hoạt động của KTNN đảm bảo phù hợp, cũng như nâng tầm ảnh hưởng của cơ quan KTNN, đảm bảo các phát hiện và thông điệp của KTNN vươn đến nhiều đối tượng tiếp nhận. Thực hiện trao đổi thông tin với các bên liên quan, chúng tôi xây dựng kế hoạch truyền thông với từng báo cáo, trong đó có các nội dung: mục tiêu muốn đạt được thông qua báo cáo; nắm bắt nhu cầu người đọc; chiến lược ưu tiên truyền thông; thực hiện truyền thông và lập báo cáo đánh giá.
H.THOAN