Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Đối nội - Ngày đăng : 08:10, 02/11/2019

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 1/11, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Đề án). Đánh giá cao việc Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội xem xét, thông qua Đề án, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách thời gian qua, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.


Chính sách nhiều nhưng dàn trải, thiếu vốn

Các đại biểu đánh giá, mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm nhất, được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ nhất, song vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện vẫn nắm giữ nhiều cái “nhất” nhất trên cả nước. Đó là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Theo đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP. HCM) nêu thực tế: Hiện nay có 118 chính sách liên quan đến dân tộc thiểu số còn hiệu lực, nhưng thiếu tính thống nhất, đồng bộ, còn dàn trải, chồng chéo, chậm được tích hợp lồng ghép và do nhiều Bộ, ngành quản lý phân tán theo từng lĩnh vực.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chỉ ra tình trạng “bội thực chính sách” nhưng thiếu nguồn vốn.

Điển hình như chương trình mục tiêu quốc gia 3 năm chỉ đạt 52,1% tổng nhu cầu vốn. Nhiều chính sách không bố trí được nguồn vốn như chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, Quyết định số 2086/QĐ-TTg, chính sách bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, do quá nhiều chính sách dẫn đến chồng chéo, phân tán, thậm chí chính sách này suy giảm, triệt tiêu hiệu quả chính sách khác- đại biểu Vượt dẫn chứng.
                
   

Đại biểu Đinh Duy Vượt phát biểu thảo luận- Ảnh: quochoi.vn

   
Từ thực trạng trên, đại biểu Quốc hội kỳ vọng, Đề án được thông qua sẽ là những giải pháp đột phá với nguồn lực đầu tư đủ mạnh, đủ điều kiện để giảm nghèo gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm thực hiện có hiệu quả, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nghèo và giàu, giữa miền núi và đồng bằng.

Đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) đề nghị, thực hiện chính sách hay tích hợp các chính sách cần phải bố trí nguồn lực đảm bảo yêu cầu để chính sách thực hiện được đồng bộ và có kiểm tra, giám sát thường xuyên, đánh giá tác động của chính sách để đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận.

Chính sách cần phù hợp với từng đối tượng

Tại phiên thảo luận thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ nhất trí với 11 chính sách lớn cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung để thực hiện trong giai đoạn 2021- 2030. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc thực hiện các chính sách phải phù hợp với từng đối tượng, phù hợp với thực tế để phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng, miền.

Đại biểu Định Duy Vượt cho rằng, để phù hợp với vùng, miền, phong tục tập quán thì Trung ương chỉ ban hành khung chính sách phân cấp cho HĐND, UBND quyết định. Theo đại biểu, cần phân định rõ những lĩnh vực nào phải đầu tư toàn diện, lĩnh vực nào là trợ giúp. Bởi thực tế, nhiều chính sách thời gian qua chỉ hỗ trợ chứ không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, vì hộ nghèo thì không có tiền để đóng góp. Bên cạnh đó, bỏ chính sách cấp phân bón, cấp giống cây, thậm chí cấp bò cho hộ nghèo thiếu điều kiện, vì không hiệu quả và lãng phí, phân tán nguồn lực…

Đồng tình quan điểm này, đại biểu Đinh Thị Bình (Phú Thọ) chỉ ra, nội dung một số chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, từng dân tộc, nên hiệu quả chính sách còn hạn chế.

Đại biểu dẫn chứng: Theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, học sinh dân tộc miền núi thiểu số khi đáp ứng một số điều kiện thì được hỗ trợ gạo để bảo đảm duy trì việc học tập. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có một số học sinh mà gia đình không có đất trồng lúa nên cần cấp gạo, còn một phần không nhỏ học sinh sống ở vùng thuận lợi cho việc trồng lúa nên gạo các em dẫu có được cấp cũng không ăn mà sử dụng vào mục đích khác, làm mất đi ý nghĩa của chính sách này.

Đại biểu Đinh Thị Bình đề nghị, Chính phủ nghiên cứu để bổ sung thêm một quan điểm của Đề án là: Đầu tư phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải dựa trên nghiên cứu cụ thể về nhu cầu, đặc điểm cụ thể của từng vùng, từng cộng đồng dân tộc thiểu số, không có chính sách đồng nhất cho mọi đối tượng, vùng miền. Nói cách khác, Chính phủ chỉ nên quy định chính sách khung, còn những chính sách cụ thể thì giao địa phương tự chủ nhằm có chính sách phù hợp với từng đối tượng khác nhau.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần rà soát, cân đối nguồn lực để bố trí đủ vốn cho Đề án đúng theo quy định, không để xảy ra trường hợp chính sách đã ban hành nhưng không bố trí được nguồn lực thực hiện. Cần rà soát, phân tích các địa bàn, đối tượng để tập trung đầu tư, tránh dàn trải, không hiệu quả.
                
   

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang phát biểu thảo luận - Ảnh: quochoi.vn

   
Cùng với việc quan tâm đến bảo đảm đất ở, tạo sinh kế cho đồng bào, cần có chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. “Suy cho cùng, nếu chúng ta đã tập trung đầu tư để tạo ra được những cái cần câu tốt, tạo ra được cả những hồ câu tốt nhưng người cầm cần lại không đủ khả năng, không biết cách câu thì khó có thể thành công được”- đại biểu Bình bày tỏ.

Đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình), đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cũng cho rằng cần chú trọng đến việc tác động để kích thích nội lực của người dân vùng dân tộc thiểu số, tránh việc làm hộ, làm thay. Để đạt được mục đích đó, cần chú trọng quan tâm vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là giao thông. Có các dự án đầu tư nhằm tạo cơ hội phát triển, các phương án phát triển sản xuất.

Theo đại biểu Hoàng Thị Thu Trang, ngoài các chính sách hỗ trợ như Dự thảo Đề án đề ra, cần có chính sách tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn vay nước ngoài, nhằm thu hút các DN lớn, DN nước ngoài vào đầu tư phát triển kinh tế cho những vùng đặc biệt khó khăn.

N. HỒNG