Khắc phục hiệu quả những bất cập để đưa kinh tế bứt phá
Đối nội - Ngày đăng : 08:05, 04/11/2019
(BKTO) - Sáng 30/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận tại Hội trường về kinh tế - xã hội. Tại đây, các đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, đồng thời tập trung phân tích, chỉ ra những bất cập đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt, khả thi để khắc phục nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Vũ Tiến Lộc. Ảnh: TTXVN
Còn không ít thách thức…
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, trong bối cảnh khó khăn song chúng ta đã có một năm thành công: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế dưới 3%, thất nghiệp dưới 4%, tăng trưởng ước đạt 6,8% cho cả năm, trên 130.000 DN thành lập mới, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất châu Á... Đây là những thành quả rất quan trọng và không dễ dàng.
Tuy nhiên, đại biểu Lộc cho rằng, mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% năm 2020 là rất gian nan. "Trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc và theo dự báo có khả năng tiến tới ngưỡng suy thoái toàn cầu thì mức tăng trưởng 6,8% của một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài như nước ta liệu có khả thi? Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị phương án chủ động để ứng phó với tình huống này" - đại biểu Lộc phát biểu.
Phân tích kỹ hơn về những thách thức, đại biểu Lộc cho rằng, ngành chế biến, chế tạo - khu vực đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong 9 tháng qua, đằng sau mức tăng sản lượng ấn tượng 11,37%, thì chỉ số hàng tồn kho của ngành này tại thời điểm 30/9 cũng đạt mức kỷ lục là 17,2%, cao hơn nhiều so với mức 13,8% cùng kỳ năm 2018 và 8,8% của năm 2017. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng qua chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018, bằng phân nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái và bằng khoảng 1/3 của mức tăng trên 20% những năm trước nữa. Cơ cấu xuất khẩu theo thị trường cũng có những chuyển dịch bất lợi; đầu tư nước ngoài có dấu hiệu nhích lên nhưng lại giảm tốc ở 2 nguồn trọng điểm là Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi đó lại tăng đột biến từ các nguồn liên quan tới Trung Quốc. “Vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển theo hướng này phát đi một tín hiệu thiếu bền vững, thiếu cân bằng về FDI và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam” - đại biểu nhận định.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhìn nhận, kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Có lúc tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cao vào Top đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác. Tụt hậu về kinh tế, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là do chúng ta chưa đột phá thành công các vấn đề cốt lõi của tăng trưởng theo chiều sâu. Do đó, Chính phủ cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm, trong đó, ba vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực thực hiện bằng được là trình độ lao động; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, tăng trưởng GDP vẫn dựa chủ yếu vào những ngành lao động giá rẻ mà phần lớn trong khối FDI, xuất khẩu tài nguyên và xuất khẩu nông sản. Ba nguồn này lại đang đứng trước thách thức là năng suất lao động thấp. Bởi vậy, cần phải nâng cao năng suất lao động bằng một nguồn nhân lực chất lượng tốt hơn...
Khắc phục hạn chế trong sử dụng ngân sách và giải ngân đầu tư công
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu đề cập là tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, năm sau chậm hơn năm trước. Cụ thể, năm 2018 là năm đạt thấp nhất so với 6 năm về trước; 9 tháng năm 2019 giải ngân còn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, đạt 49% kế hoạch...
Đại biểu Hoàng Văn Trà (Phú Yên) đề nghị, Chính phủ phải sớm có giải pháp khả thi và quyết liệt khắc phục, khơi thông các điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển. Nếu tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn; khai thác sử dụng các nguồn lực cho phát triển như đất đai, tài nguyên khoáng sản và tài sản công hiệu quả hơn, các công trình đầu tư từ vốn ngoài ngân sách, nhất là các dự án về hạ tầng, giao thông, được triển khai xây dựng và khai thác đúng kế hoạch thì chắc chắn kết quả thu được còn cao hơn, ấn tượng hơn.
Các đại biểu nêu thực tế, nhiều công trình thiếu vốn trong khi nhiều công trình không giải ngân hết kế hoạch vốn, cho thấy việc lập kế hoạch không sát, không theo dõi, tổng hợp sát sao để điều chỉnh vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu; lãng phí khi vốn ODA không giải ngân được, không dùng nhưng vẫn phải trả phí cam kết. “Cải thiện công tác dự báo, công tác lập, giao kế hoạch và linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư là cốt lõi để khắc phục giải ngân vốn chậm” - đại biểu Hoàng Quang Hàm nói.
Đánh giá về công tác quản lý NSNN, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) chỉ rõ, dù ngân sách T.Ư thu vượt dự toán năm thứ hai liên tiếp nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra; tỷ lệ thu NSNN từ thuế, phí còn thấp và cũng chưa đạt mục tiêu đề ra, cho thấy vai trò chủ đạo của việc tăng thu ngân sách T.Ư trong tổng thu NSNN chưa rõ nét; việc thu từ sản xuất kinh doanh tại các khu vực DN chưa cao, chưa thể hiện nguồn lực nội tại của nền kinh tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp điều hành phù hợp nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế trong nước, đồng thời thể hiện được vai trò đầu tàu của ngân sách T.Ư.
Đối với chi NSNN, dẫn báo cáo của KTNN, đại biểu Hải nêu: Một số địa phương giao dự toán chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo dạy nghề thấp hơn dự toán của Chính phủ giao; một số Bộ, ngành cơ quan T.Ư giao dự toán kinh phí ngoài định mức phân bổ ngân sách chưa đúng quy định, còn có trường hợp giao dự toán kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp với mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị. Bên cạnh đó, vốn đầu tư phát triển tiếp tục giải ngân chậm, khả năng giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2019 là khó khăn. Ngoài ra, tình trạng chuyển vốn còn lớn, tình trạng chuyển nguồn nhiều năm gây lãng phí. “Đây là một trong những vấn đề tồn tại nhiều năm qua chưa khắc phục được. Do vậy, Chính phủ cần quan tâm nghiên cứu để có giải pháp hữu hiệu hơn, kiên quyết hơn trong việc giải ngân và sử dụng nguồn vốn, tránh lãng phí nguồn lực và tiết kiệm ngân sách” - đại biểu Hải nói.
ĐĂNG KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 31-10-2019