Một số giải pháp đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn 2030
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:05, 05/11/2019
(BKTO) - Những năm qua, xác định công nghệ thông tin (CNTT) là công cụ hỗ trợ đắc lực trong hiện đại hóa mọi mặt hoạt động, KTNN đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, từng bước ứng dụng CNTT trong chỉ đạo điều hành cũng như hoạt động kiểm toán. Để đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán, KTNN cần triển khai tốt Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
KTNN từng bước ứng dụng CNTT trong chỉ đạo điều hành cũng như hoạt động kiểm toán. Ảnh: Huy Thành
Các nội dung chủ yếu
Giai đoạn 2019-2020: Hoàn thiện môi trường làm việc điện tử trong Ngành theo hướng tích hợp và chia sẻ dữ liệu; giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua việc ứng dụng các giải pháp văn phòng không giấy tờ, văn phòng điện tử; hoàn thành kết nối, liên thông với các phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại các Bộ, ngành, địa phương.
Cùng với đó, hoàn thành các công cụ hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán; số hóa tài liệu thu thập được từ các đơn vị được kiểm toán và hồ sơ kiểm toán. Xây dựng hệ thống nền tảng và tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin quan trọng về tài chính, đầu tư, DN; từng bước chuyển đổi sang điện toán đám mây ở mức hạ tầng; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng của KTNN.
Ngoài ra, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm toán trong môi trường số để cho phép KTNN được khai thác dữ liệu điện tử thuộc phạm vi kiểm toán tại các đơn vị được kiểm toán; tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Giai đoạn 2021-2025: Hoàn thành tích hợp, kết nối chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các Bộ, ngành, địa phương trên diện rộng. Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu tri thức, hình thành dữ liệu lớn (Big Data), dữ liệu mở của KTNN; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ số trong hoạt động kiểm toán và chỉ đạo điều hành nội bộ. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thực hiện tự động hóa một số nhiệm vụ kiểm toán (kiểm toán tài chính thường niên, kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN, các nhiệm vụ theo Luật quy định).
Hoàn thành điện toán đám mây KTNN ở mức hạ tầng; quy hoạch và chuyển đổi từng bước các ứng dụng sang môi trường đám mây; thiết lập hệ thống quản trị an toàn thông tin toàn diện, thống nhất. Phấn đấu đưa Trung tâm Dữ liệu của KTNN trở thành Hệ thống giám sát tài chính quốc gia.
Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực các cấp của KTNN đảm bảo đủ năng lực triển khai, vận hành và khai thác sử dụng các hệ thống thông tin trong quá trình chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo đồng bộ, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn về đổi mới công nghệ; từng bước hội nhập, chia sẻ dữ liệu kiểm toán số với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới, trước mắt là với Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI).
Giai đoạn 2026-2030: Hướng tới một môi trường kỹ thuật số bảo mật và tích hợp cao, cho phép KTNN triển khai các cuộc kiểm toán có chất lượng cao, gia tăng giá trị tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ cũng như giúp các đơn vị được kiểm toán hoạt động một cách hiệu quả. Song song với đó, chuyển đổi từ kiểm toán thủ công, trên giấy sang kiểm toán trên dữ liệu với sự hỗ trợ của các công nghệ trí tuệ nhân tạo một cách chủ động. Tăng cường hoạt động “tiền kiểm” một số lĩnh vực (dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, các chủ trương lớn, các chương trình mục tiêu quốc gia).
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, các công cụ tự động hóa và các nguồn dữ liệu mở để triển khai các cuộc kiểm toán có giá trị cải thiện chi tiêu công, mang tính dự báo, hoạch định kinh tế vĩ mô cũng như phát triển các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh; phát triển kỹ năng kiểm toán CNTT của kiểm toán viên; hoàn thiện hành lang pháp lý trong thời kỳ chuyển đổi sang kiểm toán số; hội nhập toàn diện, chia sẻ dữ liệu kiểm toán quốc tế trong các tổ chức: Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), ASOSAI và Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI).
KTNN triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
KTNN đã và đang kiện toàn Ban Chỉ đạo CNTT, đơn vị chuyên trách CNTT của KTNN và bộ phận chuyên trách CNTT tại các đơn vị trực thuộc; rà soát các quy định, quy chế có liên quan đến ứng dụng CNTT để xem xét, sửa đổi, ban hành tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất; tiếp cận các công nghệ, giải pháp mới tiên tiến trên thế giới như: điện toán đám mây và ảo hóa trong lưu trữ, quản lý các ứng dụng và cơ sở dữ liệu; ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu; xây dựng các phương pháp giám sát, đánh giá về ứng dụng CNTT phù hợp điều kiện thực tế tại các đơn vị trong Ngành.
Bên cạnh đó, KTNN cần ưu tiên bố trí đủ nguồn kinh phí phục vụ công tác triển khai các nhiệm vụ/dự án trong Chiến lược trong kế hoạch ngân sách hằng năm từ nhiều nguồn vốn: đầu tư phát triển, chi thường xuyên và nguồn 5% của KTNN, vốn tài trợ của các tổ chức; huy động nguồn lực và đầu tư của DN cho ứng dụng CNTT thông qua việc thúc đẩy, lựa chọn hình thức thuê dịch vụ CNTT đối với các dự án/nhiệm vụ trong Chiến lược; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, hình thành cơ chế khuyến khích các DN CNTT tham gia cung cấp dịch vụ, nhân lực cho hoạt động CNTT của KTNN; xây dựng các chính sách thu hút vốn đầu tư ngoài nước và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư.
Cùng với đó, KTNN tiếp tục phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, kiện toàn đội ngũ chuyên trách CNTT; chú trọng đào tạo chuyên sâu về kỹ năng ứng dụng, sử dụng và khai thác có hiệu quả hệ thống CNTT; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, coi ứng dụng CNTT là khâu đột phá góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của KTNN.
Thời gian tới, KTNN sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và hợp tác với các tổ chức trong nước, quốc tế trên cả 3 lĩnh vực: công nghệ, kinh nghiệm, tài chính. Tăng cường hợp tác, phát triển thông qua các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về CNTT với tổ chức kiểm toán khu vực (ASEANSAI, ASOSAI) và thế giới (INTOSAI) để tận dụng kho tri thức số sẵn có trên một số lĩnh vực kiểm toán như: kiểm toán môi trường, kiểm toán CNTT...
H.ANH (ghi)