Tháo gỡ rào cản trong chính sách đất đai để nông nghiệp phát triển

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:20, 05/11/2019

(BKTO) - Chính sách đất đai, nhất là đất trong nông nghiệp rất quan trọng bởi các quy định liên quan trực tiếp tới các vấn đề an sinh xã hội, quyền lợi và việc phân phối cho người nông dân canh tác. Tuy nhiên, chính sách này đã bộc lộ nhiều bất cập và hầu như chưa được giải quyết triệt để.



Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người ở Việt Nam là 0,25 ha. Ảnh: H. Thành

Năng suất sử dụng đất thấp

Nhiều năm qua, Nhà nước đã có chủ trương tích tụ và tập trung ruộng đất nhưng kết quả thực tế đã không đạt được mục tiêu kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là thị trường đất nông nghiệp chưa phát triển và chính sách đất nông nghiệp vẫn còn bất cập.

Đại diện cơ quan điều phối Liên minh Nông nghiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) Nguyễn Đức Thành cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức bình quân ruộng đất theo đầu người thấp nhất thế giới. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người ở Việt Nam là 0,25 ha, trong khi đó, diện tích này trên thế giới là 0,52 ha và trong khu vực là 0,36 ha. Nền nông nghiệp Việt Nam phát triển chủ yếu dựa vào khoảng 10 triệu hộ nông dân cá thể với trên 76 triệu thửa và mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán. Đây là một trong những trở ngại lớn nhất cho việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, hiện đại và bền vững trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa DN, đặc biệt là liên kết giữa các tập đoàn kinh tế với các hộ nông dân trong xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung công nghệ cao dưới tác động của thị trường, công nghiệp, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.

Có cùng nhận định còn vướng mắc trong chính sách, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Công Thắng nhìn nhận, dù quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nhưng diện tích đất nông nghiệp vẫn còn rất lớn, nhất là đất lúa, tuy nhiên, thu nhập từ canh tác trên đất nông nghiệp vẫn thấp. Diện tích đất bình quân hiện nay ở mức thấp, việc tích tụ chưa được như kỳ vọng nên năng suất sử dụng đất cũng rất kém, chỉ khoảng 1.000 USD/ha, tương đương với Lào và chỉ bằng một nửa Philippines, thậm chí là bằng 1/3 của Indonesia và Thái Lan. Theo ông Thắng, rào cản chính sách trong tích tụ và tập trung đất trong nông nghiệp nằm ở hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quy định tại Luật Đất đai năm 2013. Ví dụ, người có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất lại không được nhận chuyển quyền vượt hạn mức cho phép, khiến nhiều trường hợp như bị “trói tay” bởi chính sách.

Mặt khác, bất cập còn nằm ở chỗ mức thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp bị áp chung như các bất động sản khác. Đặc biệt, DN tư nhân trong nước không được giao đất có thu tiền sử dụng đất nông nghiệp mà chỉ được thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, quyền tài sản đối với đất nông nghiệp chưa được bảo đảm như các loại đất khác.

Xóa rào cản chính sách

Theo khảo sát của TS. Bùi Hải Thiêm (Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội), chính quy định thời hạn giao đất, cho thuê đất hiện nay khiến nhà đầu tư không yên tâm đầu tư lâu dài, việc giao đất cho cá nhân và hộ gia đình không thu tiền sử dụng đất hiện nay không hiệu quả. 60% ý kiến trả lời khảo sát cho rằng, việc tổ chức kinh tế không có nhiều quyền liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất là một sự bất bình đẳng, chưa khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp... Từ đó, ông Thiêm đề xuất, Nhà nước nên quy định chỉ sử dụng một hình thức là thuê đất; bãi bỏ quy định về thời hạn giao đất và cho thuê đất nông nghiệp; xóa bỏ sự phân biệt về quyền cho các chủ thể sử dụng đất; thay thế quyền chuyển đổi và quyền chuyển nhượng bằng quyền mua bán; công bố rộng rãi thông tin về từng thửa đất trên internet; thí điểm bãi bỏ hạn điền hoặc mở rộng hạn điền trước khi chính thức sửa Luật Đất đai...

Ở một khía cạnh khác, TS. Trần Công Thắng kiến nghị nên bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định và giám sát chặt chẽ diện tích tối thiểu để tránh tách thửa gây manh mún ruộng đất. Đồng thời, cần giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp để tăng cường chính thức hóa giao dịch đất nông nghiệp. Ngoài ra, một giải pháp cần đặc biệt quan tâm là có cơ chế khuyến khích DN đầu tư vào các khu, cụm hoặc trung tâm công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp thông qua việc thuê đất nông nghiệp hoặc liên kết với trang trại, hợp tác xã.

Trong khi đó, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II tại TP. HCM Vũ Trọng Khải nhấn mạnh, muốn khắc phục những vấn đề đã nảy sinh và đang tồn tại của các chính sách hiện hành, cần phải dựa trên những tư duy kinh tế mới, với những khái niệm về thuật ngữ chính xác để có tư duy đúng đắn, từ đó mới có cơ sở khoa học để đánh giá, phát hiện vấn đề và nguyên nhân nhằm tìm ra giải pháp khắc phục. Cũng theo ông Khải, đối với hình thức trang trại nhà nước, hay thường gọi là nông - lâm trường quốc doanh thì hình thức khoán hộ là phù hợp. Đây thực chất là tái lập trang trại gia đình trong lòng DN, vừa phát huy được ưu thế của trang trại gia đình trong các khâu sản xuất mang tính sinh học và ưu thế của DN trong khâu dịch vụ đầu vào - đầu ra của kinh doanh nông nghiệp, vừa khắc phục được nhược điểm của trang trại gia đình có quy mô nhỏ và DN có quy mô lớn, xóa bỏ được cấp quản lý trung gian.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 31-10-2019