Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch: Chưa hoạt động đã gặp khó

Đầu tư - Ngày đăng : 10:45, 05/11/2019

(BKTO) - Với mục đích tạo dựng nguồn quỹ để thúc đẩy hoạt động xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ phát triển ngành du lịch, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập. Thế nhưng, dù chưa chính thức đi vào hoạt động, việc quản lý, sử dụng nguồn quỹ trong tương lai ra sao lại đang là vấn đề nảy sinh nhiều băn khoăn.


Tháo gỡ khó khăn tài chính cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch

Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch có chủ trương thành lập từ rất sớm khi được đề cập trong quá trình bàn thảo xây dựng Luật Du lịch năm 2005, nhưng trải qua quá trình “thai nghén” khá lâu, đến cuối năm 2018, Quỹ mới chính thức ra đời.

Theo Quyết định số 49/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch (sau đây gọi chung là Quỹ), đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đại diện chủ sở hữu. Vốn điều lệ của Quỹ là 300 tỷ đồng, được ngân sách T.Ư cấp trong 3 năm đầu sau khi thành lập. Theo quy định, Quỹ có các nguồn thu từ visa (10% tổng thu từ thị thực), 5% nguồn thu từ các điểm đến du lịch, đặc biệt khuyến khích nguồn xã hội hóa đóng góp cho Quỹ.

Kinh phí Quỹ được xác định là sẽ dành phần lớn cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, trong bối cảnh kinh phí dành cho quảng bá, xúc tiến mỗi năm của du lịch Việt Nam còn rất khiêm tốn (khoảng 2 triệu USD mỗi năm), sự ra đời của Quỹ được kỳ vọng sẽ giải bài toán kinh phí cho công tác này. Dù chưa có con số cụ thể nhưng kinh phí xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ các hoạt động đào tạo của ngành du lịch được dự báo sẽ tăng đáng kể và có thể sẽ vượt 2 triệu USD khi Quỹ đi vào hoạt động.

Kỳ vọng là vậy, tuy nhiên, xoay quanh hoạt động của Quỹ nói chung vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Tại buổi giới thiệu Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam lần thứ 2, diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho biết, mọi công tác chuẩn bị cho Quỹ đang được triển khai thực hiện để chính thức đi vào hoạt động từ năm 2020. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị và lấy ý kiến về một số nội dung của Quỹ đã vấp phải một số khó khăn.

Chẳng hạn, việc xác định Quỹ do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và nắm toàn quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ quản lý, điều hành cấp cao là chưa phù hợp... Bởi, trên thực tế, không mấy tổ chức, cá nhân nào sẵn lòng tài trợ, đóng góp cho một Quỹ hoàn toàn do Nhà nước quản lý. Chưa kể, nếu quá trình hoạt động của Quỹ không chuyên nghiệp, không đảm bảo tính minh bạch thì việc huy động sự tham gia của DN càng khó khăn.

Nổi cộm khó khăn về tài chính

Là cơ quan đóng vai trò tham mưu, tư vấn cho hoạt động du lịch cấp T.Ư, đồng thời trực tiếp tham gia xây dựng Quỹ, Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia hiện đã thu hút được 9 nhà tài trợ, đóng góp 45 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm. Để các DN tin tưởng và đóng góp, Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia đưa ra 3 tôn chỉ là “tính minh bạch, tính chuyên nghiệp và tính hiệu quả” và kết quả thực hiện đều phải rất cao…

Tuy nhiên, các chuyên gia là thành viên Hội đồng cũng thừa nhận còn nhiều khó khăn khi triển khai Quỹ. Trong đó, nổi cộm là vấn đề thu - chi tài chính. Bởi theo quy định, 2 nguồn thu chính của Quỹ là từ thu phí cấp thị thực và thu phí tham quan còn bất hợp lý và bấp bênh.
Cụ thể, nguồn thu từ phí cấp thị thực cho người nước ngoài được cho là không phù hợp với thực tiễn các quỹ phát triển du lịch ở các nước, lại mâu thuẫn với đề xuất nhất quán của ngành du lịch trong việc mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, như vậy, nguồn thu từ thị thực tiến tới sẽ không còn đáng kể. Theo bà Cao Thị Ngọc Lan - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịchViệt Nam, về lâu dài, cần đề xuất các nguồn thay thế cho Quỹ. Trong đó, sự tham gia, đóng góp của các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần được xác định đóng vai trò quan trọng.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, Quỹ phải chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ bởi cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và KTNN là cần thiết. Có quy định này là bởi Quỹ hoạt động theo mô hình và vận dụng cơ chế tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng bày tỏ lo ngại trong trường hợp Quỹ không bảo toàn được vốn điều lệ do các nguồn thu không bù đắp được chi phí hoạt động thì trách nhiệm của lãnh đạo được giao quản lý Quỹ ra sao?

Từ những bất cập nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu các quy định về Quỹ không được điều chỉnh, sửa đổi thì khi đi vào hoạt động, Quỹ sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, theo đề xuất của Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia, Quỹ cần được sửa đổi, bổ sung chính sách, cơ chế hoạt động theo hướng là Quỹ hợp tác đối tác công - tư, có sự tham gia từ khối các DN du lịch, hàng không. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài khung khổ pháp lý, Nhà nước cần có cơ chế để DN thấy được nghĩa vụ cũng như lợi ích khi tham gia vào Quỹ.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 31-10-2019