Xây dựng thương hiệu quốc gia

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:25, 05/11/2019

(BKTO) - Theo Bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 do Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD, tuy nhiên, đến 47% đóng góp đến từ khu vực DN FDI.


Trong danh sách 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam năm 2018 của Brand Finance, Viettel tiếp tục dẫn đầu với mức định giá hơn 2,8 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2017. Còn trong Bảng xếp hạng 300 thương hiệu viễn thông giá trị nhất thế giới năm 2018 cũng của Brand Finance, Viettel đạt giá trị tới 3,17 tỷ USD, đứng thứ 47. Đứng thứ hai trong danh sách tại Việt Nam là Vinamilk có giá trị gần 1,9 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2017. Thứ ba là thương hiệu VNPT với trị giá gần 1,34 tỷ USD, tăng 16%. Thứ tư là thương hiệu Vinhomes có trị giá 1,18 tỷ USD, tăng 10% và Sabeco đứng thứ năm đạt 947 triệu USD, tăng thêm 16% so với năm 2017. Tổng cộng 5 thương hiệu đắt giá nhất Việt Nam có giá trị hơn 8,16 tỷ USD, tăng thêm 2,3 tỷ USD so với mức 5,85 tỷ USD vào năm 2017. Các thương hiệu khác trong danh sách Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2018 còn có: MobiFone, VinaPhone, Vietnam Airlines, Vietinbank và BIDV.

Ngày 09/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 với mục tiêu trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng cao hơn mức tăng bình quân chung, tăng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam bình quân 20%/năm và mỗi năm tăng 10% số lượng DN được vào danh sách DN có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. Nội dung hoạt động của Chương trình gồm: bảo hộ biểu trưng và hệ thống nhận diện Thương hiệu quốc gia Việt Nam ở trong và ngoài nước; hỗ trợ DN phát triển sản phẩm đáp ứng hệ thống tiêu chí Thương hiệu quốc gia Việt Nam; hỗ trợ DN xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu ở trong và ngoài nước,...

Chương trình Thương hiệu quốc gia đến năm 2030 là tín hiệu vui cho các DN Việt Nam song chưa đủ mà Nhà nước cần sớm có một chương trình tổng thể, đồng bộ và hữu hiệu để thúc đẩy các DN thuần Việt xây dựng và phát triển thương hiệu mạnh tầm cỡ khu vực và thế giới với giá trị thương hiệu ngày càng tăng. Theo đó, cần tập trung vào những nội dung sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến xây dựng và phát triển thương hiệu, tiến tới xây dựng Luật Thương hiệu thay vì Thương hiệu chỉ là một nội dung trong Luật Sở hữu trí tuệ như hiện nay. Khuôn khổ pháp lý về thương hiệu cần phù hợp với đặc trưng tài sản vô hình của thương hiệu và cam kết quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, tổ chức sắp xếp lại bộ máy quản lý nhà nước đối với thương hiệu theo hướng tập trung vào một đầu mối, tránh phân tán và quy định quyền hạn trách nhiệm rõ ràng của các tổ chức và cá nhân trong quản lý nhà nước về thương hiệu.

Thứ ba, hình thành và phát triển thị trường thương hiệu gắn với tổ chức đánh giá, định giá thương hiệu phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, giảm thiểu can thiệp hành chính vào thị trường thương hiệu và chú trọng khuyến khích DN ngoài nhà nước phát triển thương hiệu như một trong những yếu tố quyết định biến khu vực kinh tế tư nhân trong nước trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần đưa đầy đủ giá trị thương hiệu vào xác định giá trị DNNN khi thực hiện cổ phần hóa, vừa bảo vệ duy trì thương hiệu đã có uy tín của nhiều DNNN, vừa đảm bảo lợi ích của Nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa.

Thứ tư, xây dựng thể chế bảo vệ các quyền hợp pháp đối với thương hiệu và xử lý tranh chấp về thương hiệu trên cơ sở luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế. Xử lý nghiêm và thích đáng các trường hợp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương hiệu.

Thứ năm, tạo điều kiện thuận lợi nhất và có lợi nhất cho DN đăng ký thương hiệu, quảng bá thương hiệu, bảo vệ và khai thác thương hiệu cả ở trong và ngoài nước.

Thứ sáu, hỗ trợ DN trong xây dựng, quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác thương hiệu cả về nguồn lực tài chính, nhân lực có trình độ cao, thông tin, công nghệ, kênh và phương tiện quảng bá,… Nghiên cứu ban hành chính sách và cơ chế thuế ưu đãi đối với những chi phí và thu nhập liên quan đến bảo vệ và phát triển thương hiệu.


TS. VŨ ĐÌNH ÁNH - Chuyên gia Kinh tế
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 31-10-2019