Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2019: Những kết quả đạt được là tích cực, song không được chủ quan

Đối nội - Ngày đăng : 10:20, 06/11/2019

(BKTO) - Ngày 5/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019.


Toàn cảnh phiên họp- Ảnh: VGP

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2019; xem xét tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho một số DN Việt Nam có hoạt động xuất khẩu lớn cho Cuba; việc ngưng hiệu lực thi hành Khoản 10, Điều 91, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Dược; Dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); về một số nội dung lớn và giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đối với Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao và kết quả kiểm tra tháng 10/2019 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử…

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập ngay đến việc 39 người thiệt mạng tại Anh và bày tỏ đây là sự việc đau lòng, gây bàng hoàng cho gia đình các nạn nhân cũng như cộng đồng. Đến nay, công tác xác định danh tính đang diễn ra.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn đến thân nhân, gia đình các nạn nhân. Ngay khi nhận được thông tin về sự việc, Thủ tướng đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ ban hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan điều tra, làm rõ, có biện pháp cần thiết, phối hợp với nhà chức trách Anh trong xử lý vụ việc.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan cần phối hợp chặt chẽ để xử lý, trước hết là động viên thân nhân của nạn nhân, hỗ trợ trong khả năng. Cùng với đó, đoàn công tác của Việt Nam đã sang Anh phối hợp với phía Anh sớm công bố danh tính các nạn nhân.

Tiếp đó, Thủ tướng đề cập đến việc đoàn Việt Nam do Thủ tướng dẫn đầu vừa dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Thái Lan. Tại hội nghị này, chiếc búa Chủ tịch ASEAN 2020 đã được bàn giao cho Việt Nam. Như vậy, năm 2020, Việt Nam đảm nhận 2 nhiệm vụ quan trọng là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Thủ tướng khẳng định, chúng ta cần đóng góp tốt nhất vào việc phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao vị thế của ASEAN trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh có nhiều vấn đề phức tạp.

Thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2019 của đất nước tiếp tục xu hướng tích cực trên các lĩnh vực. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng, đạt 9,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng cao, gần 12%. Tháng 10 là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,6 triệu lượt, lũy kế 10 tháng năm 2019, đạt gần 14,5 triệu lượt, tăng 13%.

Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số CPI bình quân 10 tháng năm 2019 tăng 2,48% so với bình quân cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng 7,4%, đặc biệt khu vực trong nước tăng 16,2%, cao hơn nhiều so với khu vực FDI là 3,9%. Xuất siêu 7 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 16,2 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ các năm từ trước đến nay. Cả nước có 114.400 DN đăng ký thành lập mới và có 34.900 DN quay trở lại hoạt động, tăng 24,8% so với cùng kỳ.

Đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện; công tác y tế, văn hóa, giáo dục, xã hội tiếp tục được quam tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả; tiềm lực quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

“Chính phủ sẽ làm hết sức mình để phục vụ nhân dân, DN tốt hơn nữa, để phát triển kinh tế-xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Kết luận phiên họp, sau khi phân tích bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, nhất là những rủi ro, những thách thức từ bên ngoài, bên trong có thể tác động đến nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Những kết quả đạt được là tích cực, song chúng ta không được chủ quan; cuối năm có rất nhiều vấn đề đặt ra trong chỉ đạo, nếu không có quyết tâm tháo gỡ, giải quyết kịp thời những vướng mắc thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Tinh thần là phải quyết tâm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu của năm 2019, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 6,8%, kiểm soát lạm phát dưới 3,5%, thu ngân sách vượt mức ở Trung ương và địa phương, tạo dư địa chính sách cho năm tới”.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành chủ động theo dõi, bám sát, đánh giá đầy đủ tác động của chiến tranh thương mại, đưa ra giải pháp, kịch bản kịp thời và phù hợp, trong đó đặt vấn đề mạnh mẽ hơn về đa dạng hóa thị trường, khai thác có hiệu quả các FTA đã được ký kết.

Mặt khác, cần tiếp tục tập trung phát triển thị trường trong nước. Bộ Tài chính với vai trò đầu mối tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình thị trường chứng khoán, các dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp qua thị trường chứng khoán, kiểm soát rủi ro chảy vốn, rủi ro tâm lý lan truyền.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế tác động đến vấn đề tỷ giá và lãi suất; điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thúc đẩy thanh khoản, bảo đảm cung tiền đầy đủ cho nền kinh tế cũng như bảo đảm ổn định về lãi suất, tỷ giá; hết sức chú ý thực hiện các biện pháp hiệu quả trong chống chọi với các cú sốc từ bên ngoài liên quan đến tài chính, tiền tệ.

Bộ Công Thương kịp thời triển khai Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống gian lận thương mại và nguồn gốc xuất xứ. Kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về gian lận thương mại. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2019, nhất là thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công theo đúng tinh thần Nghị quyết 94/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.

Có các giải pháp quyết liệt hơn nữa trong phát triển du lịch, đạt các mục tiêu đề ra về phát triển du lịch trong năm 2019; phát triển sâu rộng các nhiệm vụ, giải pháp về văn hóa, xã hội;thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN; vận hành hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, sát hơn, kịp thời hơn. Không để trì trệ trong vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn DN. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Quan tâm hơn nữa đẩy mạnh cải cách hành chính; cắt, giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục thuế một cách thực chất hơn, lấy người dân, DN làm trung tâm.

Thủ tướng cũng yêu cầu chú trọng xây dựng hàng lang pháp lý trong tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là hành lang pháp lý về thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ mới, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, thanh toán điện tử, mô hình kinh doanh mới... Các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về cách mạng 4.0

Các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công an làm đầu mối có giải pháp quyết liệt trong xử lý, giảm thiểu các vấn nạn, bức xúc xã hội, phòng chống, xử lý các hoạt động động lừa đảo...

Thủ tướng giao các Bộ, ngành chức năng tập trung rà soát về vấn đề sách giáo khoa, chính sách phụ cấp, ưu đãi người có công...

Thủ tướng yêu cầu Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ giao cho các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; báo cáo công khai tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.

XUÂN HỒNG