Không đặt mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài
Đối nội - Ngày đăng : 15:20, 08/11/2019
(BKTO) – Đó là câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trước chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc mạng xã hội trong nước khi nào đủ mạnh để thay thế mạng xã hội nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Đến năm 2020 nước ta sẽ có khoảng 90 triệu tài khoản mạng xã hội-Ảnh: Quochoi.vn |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc làm đầu tiên của ông sau khi nhậm chức Bộ trưởng là thành lập tổ công tác về việc xây dựng mạng xã hội của Việt Nam. Sau hơn một năm làm việc, mạng xã hội của Việt Nam đã có 65 triệu tài khoản. Với tốc độ này, đến năm 2020 nước ta sẽ có khoảng 90 triệu tài khoản, tương đương với mạng xã hội của nước ngoài.
Theo Bộ trưởng, hiện rất nhiều người nghĩ gì, nói gì, yêu ai, mua gì... đều thông qua mạng xã hội. “Nếu tất cả các thông tin đó đều ở trên một mạng xã hội nước ngoài, nghĩa là não người Việt Nam chỉ tập trung vào một chỗ, mà chỗ này không nằm ở Việt Nam thì rất nguy hiểm, nó liên quan đến an ninh quốc gia”. Bởi vậy, chúng ta phải phân tán dữ liệu đó để tạo ra sự an toàn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho hay, chúng ta không đặt mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài. Mỗi mạng xã hội có chức năng riêng, có không gian riêng, khách hàng riêng, có ưu điểm và mục đích khác nhau.
Việt Nam đang thực hiện nền kinh tế mở, kêu gọi nhà đầu tư các nước đến nước ta làm ăn và chỉ có một yêu cầu là DN vào Việt Nam phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. "Nhà đầu tư nước ngoài vào đây đầu tư để thịnh vượng và cùng làm cho Việt Nam thịnh vượng chứ không phải làm cho Việt Nam lụi bại đi" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng mạng xã hội có số lượng người dùng lớn (50 triệu) - tương đương với số người sử dụng mạng của nước ngoài. Mạng xã hội đó không chỉ sử dụng để liên lạc mà còn có thể làm kinh tế (như mạng Facebook). Tuy vậy, cái khó hiện nay là Nhà nước chưa có nguồn để làm việc này mà hầu hết chỉ do tư nhân thực hiện. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ yếu tạo hành lang pháp lý, thậm chí là khuyến khích các DN lớn. Bản thân Bộ trưởng cũng đã gặp một số DN lớn để đề nghị họ tham gia. Điều may mắn là nhiều DN Việt Nam có ý thức rất lớn về đất nước nên họ đã đầu tư vào lĩnh vực này.
MINH ANH