Bất cập trong thực thi quy định cho thuê lại lao động
Xã hội - Ngày đăng : 08:05, 30/06/2016
(BKTO)- Hoạt động chothuê lại lao động được quy định khá cụ thể trong Bộ luật Lao động 2012 (có hiệulực từ ngày 01/5/2013) và Nghị định 55/2013//NĐ-CP (Nghị định 55) của Chínhphủ. Tuy nhiên, trong quá trình thực thipháp luật, các quy định này đã bộc lộ những bất cập, gây khó khăn cho DN.
Nhiều quy định về hoạt động cho thuê lại lao động đã bộc lộ những bất cập cần sửa đổi.Ảnh: TK
Cho thuê lại lao động là dịch vụ phổ biến mà nhiều DN trên thế giới áp dụng. Ở Việt Nam, hoạt động này tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Đặc biệt, tại các tỉnh phía Nam, sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, khu kinh tế, cộng với nhu cầu lao động ngày càng cao đã tạo động lực thúc đẩy hoạt động cho thuê lại lao động phát triển mạnh mẽ.
Hoạt động trên đã được pháp luật thừa nhận tại Điều 53, Bộ luật Lao động 2012: “Cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi DN được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với DN cho thuê lại lao động”. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bởi vậy, luật hóa việc cho thuê lại lao động là nhằm đưa hoạt động này vào khuôn khổ pháp luật dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước; đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động và thiết lập sân chơi bình đẳng giữa các chủ thể khi tham gia hoạt động cho thuê lại lao động.
Triển khai thực hiện Bộ luật Lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55, trong đó có những quy định liên quan đến hoạt động cho thuê lại lao động. Cụ thể, bên cạnh việc chỉ rõ 17 nhóm công việc được phép cho thuê lại lao động, Nghị định 55 còn quy định DN được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện như: thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng; đảm bảo vốn pháp định 2 tỷ đồng; trụ sở ổn định, nếu trụ sở đi thuê thì hợp đồng thuê phải có thời hạn từ 2 năm trở lên; giám đốc DN phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này tối thiểu 3 năm. Bên cạnh đó, theo Nghị định 55, giấy phép hoạt động của DN cho thuê lại lao động có thời gian tối đa không quá 36 tháng; được gia hạn tối đa 2 lần, mỗi lần không quá 24 tháng. Như vậy, một DN thỏa mãn đủ các điều kiện này sẽ được phép kinh doanh ngành nghề này tối đa là 7 năm.
Vướng mắc trong thực thi pháp luật
Mặc dù hoạt động cho thuê lại lao động đã có hành lang pháp lý nhưng trong quá trình thực thi pháp luật, nhiều quy định đã bộc lộ những bất cập. Chẳng hạn, do quy mô của DN khác nhau nên quy định DN hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động phải ký quỹ 2 tỷ đồng là chưa phù hợp. Theo các chuyên gia, quy định này chỉ phù hợp với DN có quy mô lớn, còn với những DN có quy mô nhỏ, hạn chế về tiềm lực tài chính thì đây là một thách thức. Do đó, cơ quan soạn thảo nên xem xét điều chỉnh, sửa đổi điều kiện này theo quy mô của DN.
Băn khoăn khác được các DN phản ánh chính là quy định thời gian cho thuê lại lao động không quá 12 tháng. Điều này khiến DN không dám mạnh dạn đầu tư, đào tạo lao động theo yêu cầu của bên cho thuê lao động. Bên cạnh đó, việc khống chế thời gian hoạt động tối đa là 7 năm đối với DN đủ điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ cho thuê lại lao động cũng ít nhiều gây khó khăn cho DN. Chưa kể, một số điều khoản khác thiếu thực tế khiến DN dễ phạm luật như quy định người đứng đầu DN phải có kinh nghiệm trong hoạt động cho thuê lại lao động từ 3 năm trở lên hay trụ sở DN phải ổn định, nếu đi thuê thì hợp đồng thuê phải có thời hạn từ 2 năm trở lên.
Ngoài ra, “Việc giới hạn dịch vụ trong 17 nhóm ngành nghề tại Nghị định 55 là chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Do vậy, Chính phủ nên xem xét, mở rộng nhóm nghề này để phản ánh đúng nhu cầu của thị trường, giảm tỷ lệ thất nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”- Tổng Giám đốc Manpower Group tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông Simon Matthews khuyến nghị.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, nhiều Bộ, ngành đang gấp rút rà soát lại các điều kiện kinh doanh trái luật hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, Bộ này đang tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác động của các chính sách để tiến tới sửa đổi Bộ luật Lao động 2012. Đây là điều kiện thích hợp để cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, điều chỉnh quy định cho thuê lại lao động cho phù hợp với thực tiễn, nhằm khắc phục những bất cập trong các quy định hiện hành và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế.
THÀNH ĐỨC