Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Nguy cơ thiếu điện là hiện hữu

Đối nội - Ngày đăng : 20:10, 07/11/2019

(BKTO)- Sáng 7/11, cuối phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm, trong đó có trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo cung ứng đủ điện.


Phó Thủ tướng cho biết, năm 2019 dự kiến điện năng sản xuất được 240 tỷ Kwh, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống điện đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, quyết liệt để tháo gỡ, thì nguy cơ thiếu điện trong những năm tới là hiện hữu.
                
   

Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện- Ảnh: Quochoi.vn.

   
Khó khăn nhất được Phó Thủ tướng nhấn mạnh là cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi rất nhanh so với quy hoạch điện VII, dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch.

Cụ thể, dự án điện hạt nhân đã dừng, các nguồn điện than đầu tư rất khó khăn do lo ngại về vấn đề môi trường, cùng với đó rất nhiều dự án điện chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến việc cung ứng nguồn điện cho phát triển kinh tế- xã hội.

Trong số 60 dự án đang đầu tư, có 35 dự án công suất từ 200 MW trở lên chậm tiến độ từ 1 đến 5 năm, thậm chí có dự án còn chậm kéo dài hơn nữa, với tổng công suất khoảng 39.000 MW, điều này dẫn đến nguy cơ thiếu điện ngay từ năm 2019.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh quy hoạch điện VII nhằm bổ sung thêm các nguồn điện, đặc biệt là nguồn điện tái tạo và các nguồn điện khác để bù đắp sự thiếu hụt.

Khó khăn nữa là do nhu cầu đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện rất lớn, tính sơ bộ từ nay đến năm 2030 cần khoảng 130 tỷ USD, bình quân khoảng 12 tỷ USD/1 năm, trong đó khoảng 9 tỷ USD cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ USD đầu tư cho lưới điện nhưng rất khó khăn trong việc huy động vốn. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ của rất nhiều dự án điện hiện nay.

Để đảm bảo đủ điện cho giai đoạn 2021-2030, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung vào 10 giải pháp trọng điểm, như:

Lập quy hoạch điện VIII đến giai đoạn 2030 tầm nhìn 2050 với quan điểm đổi mới công tác quy hoạch, chủ yếu tập trung xác định quy mô, cơ cấu nguồn điện, trong đó tập trung tăng nguồn điện tái tạo, điện khí so với quy hoạch điện VII. Tiếp tục khuyến khích đầu tư điện mặt trời, điện gió và bổ sung thêm các dự án điện khí. Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án truyền tải điện, trong đó có đường dây 500 kV mạch 3 và đường truyền tải giải toả công suất cho các nhà máy điện mặt trời.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện. Trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho những dự án trọng điểm như nhiệt điện Thái Bình 2, đẩy nhanh các dự án đã xong thủ tục đầu tư như nhiệt điện Quảng Trạch, Nhơn Trạch, Vân Sơn…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Luật Điện lực quy định Nhà nước độc quyền về truyền tải điện, nhưng không có nghĩa là độc quyền về đầu tư. Đây là độc quyền về quản lý.

Trước những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực điện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Bộ Công Thương cần huy động các giải pháp để tăng cường hệ thống truyền tải, huy động nguồn xã hội hoá, hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2023 và nghiên cứu về biểu giá bán lẻ điện, xử lý những tồn tại của dự án điện trọng điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt điện.

MINH ANH