Cải cách môi trường kinh doanh qua góc nhìn doanh nghiệp

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:10, 11/11/2019

(BKTO) - Hằng năm, VCCI đều tiến hành điều tra khoảng 10.000 DN dân doanh tại 63 tỉnh, thành. Qua kết quả điều tra năm 2017 và 2018 có thể thấy rằng, có những dấu hiệu chuyển biến ở các lĩnh vực khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng… Tuy nhiên, các DN cũng cho biết, những lĩnh vực có thủ tục hành chính phiền hà nhất là đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội.



Chỉ số khởi sự kinh doanh được nhiều DN đánh giá đã tốt hơn những năm trước. Ảnh tư liệu


Khởi sự kinh doanh khó khăn “hậu đăng ký doanh nghiệp”

Tuy chỉ số khởi sự kinh doanh được nhiều DN đánh giá tốt hơn, khó khăn khi DN xin giấy phép kinh doanh có điều kiện có dấu hiệu giảm bớt nhưng kết quả đánh giá chỉ số khởi sự kinh doanh vẫn đạt thấp bởi việc xin các giấy phép con vẫn diễn ra tương đối phổ biến, có tới 48% DN cho biết vẫn phải thực hiện thủ tục này năm 2018, trong khi tỷ lệ này năm 2017 là 58%; 34% DN đã gặp phải những khó khăn trong xin giấy phép kinh doanh có điều kiện năm 2018 và tỷ lệ này năm 2017 là 42%.

Bên cạnh đó, các DN còn chia sẻ những lo lắng về khởi sự kinh doanh hậu thành lập DN. Tuy thực tế đã có những cải cách nhưng nhiều DN cho rằng, xin giấy đăng ký kinh doanh thì dễ nhưng sau đó hoàn tất các thủ tục để bắt đầu kinh doanh còn rất phức tạp. Kết quả điều tra của VCCI năm 2018 cho thấy, 16% DN cho biết từ khi thành lập DN đến khi hoàn tất các thủ tục để bước vào hoạt động thì DN phải mất hơn một tháng mới có đủ tất cả các giầy tờ cần thiết. Trong khi kết quả điều tra năm 2014 cho thấy, chỉ có 10% DN phải chờ đợi hơn 1 tháng để có đủ các giấy tờ cần thiết. Cùng với đó, 31% DN cho biết phải trả chi phí không chính thức khi làm các thủ tục thành lập DN trong năm 2018. Dù chi trả chi phí không chính thức có xu hướng giảm so với năm 2017 nhưng việc có tới gần 1/3 số DN phải chi trả chi phí này cho thấy tình trạng bôi trơn vẫn còn khá phổ biến. Chưa hết, năm 2018, có 29% DN cho biết gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật. Trong một số trường hợp, các yêu cầu về chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn cho hàng hóa dịch vụ có thể trở thành rào cản cho hoạt động của DN.

Qua điều tra, chúng tôi cũng nhận thấy có 2 lĩnh vực ngày càng trì trệ là đất đai và xây dựng với 2 khó khăn chính đối với các DN là khó tiếp cận thông tin đất đai và thiếu quỹ đất sạch. Cụ thể, năm 2018, có 19% DN cho biết có tình trạng thiếu quỹ đất sạch và 31% DN cho biết việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhiều hơn nhưng thông tin về đất đai không được minh bạch, DN rất khó tiếp cận thông tin về quy hoạch của mỗi địa phương. Trong khi đó, 2 tỷ lệ này của năm 2017 đều thấp hơn, lần lượt là 15% và 29%.

Nhiều lĩnh vực cải thiện nhưng vẫn còn bất cập

Về chất lượng, dịch vụ hạ tầng liên quan đến hoạt động của các DN, kết quả DN đánh giá tiếp cận điện năng và chất lượng điện năng, điện thoại, internet và nước sạch tương đối tốt. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng giao thông còn chưa đáp ứng, chỉ có 44% DN đánh giá tốt, chứng tỏ chúng ta đầu tư cho hạ tầng giao thông nhiều nhưng chất lượng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của DN.

VCCI cũng có hỏi các DN tư nhân trong quá trình hoạt động gặp khó khăn gì nhất thì 60% cho rằng đó là tìm kiếm khách hàng và tiếp đó là tiếp cận vốn (37%). Thiếu tài sản thế chấp và vấn đề lãi suất vay vốn cao là những khó khăn chính mà DN phản ánh thường xuyên trong những năm gần đây. Trong năm 2018, có 40% DN cho rằng ngân hàng thương mại áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi; 86% DN cho biết không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp; 63% DN đánh giá lãi suất và các điều kiện cho vay đối với DN tư nhân luôn khó khăn; 39% DN cho rằng “bồi dưỡng” cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn là phổ biến và 44% DN đánh giá thủ tục vay vốn rất phiền hà.

Đối với lĩnh vực thuế, qua khảo sát của VCCI năm 2019 cho thấy, DN đánh giá thủ tục hành chính về thuế trong những năm gần đây đã có những cải thiện đáng kể nhưng vẫn đề xuất cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể, 80% DN đánh giá thuận lợi khi thực hiện các nghĩa vụ thuế. Trong đó, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân lần lượt đứng đầu về tiêu chí “dễ thực hiện”. Ngược lại, thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu là những nghĩa vụ thuế khó thực hiện nhất. Đa số DN cũng đánh giá quy trình thủ tục thuế dễ làm hơn trước. Có 2 thủ tục dễ thực hiện nhất là nộp thuế (98% DN đánh giá) và mua, đăng ký, báo cáo sử dụng hóa đơn thuế (94%); 2 thủ tục khó thực hiện nhất là đề nghị miễn, giảm thuế (62%) và hoàn thuế (56%).

DN cũng đánh giá, phương thức thanh, kiểm tra thuế dựa trên đánh giá mức độ rủi ro có tính chính xác tương đối tốt. Việc ứng dụng CNTT trong ngành thuế cũng có độ bao phủ đến hầu hết các DN. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn phản ánh tình trạng đường truyền dữ liệu tắc nghẽn và khó khăn khi thực hiện chữ ký số.

Bên cạnh đó, các DN cho rằng thủ tục hải quan đã có những cải thiện, tiếp cận thông tin thủ tục hành chính xuất nhập khẩu đã dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ngành hải quan cần làm tốt hơn công tác hỗ trợ giải đáp thắc mắc của DN, tạo thuận lợi trong nộp thuế thông quan, hoàn thuế không thu thuế, kiểm tra hồ sơ thông quan và cải thiện công tác kiểm tra chuyên ngành.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, niềm tin của DN vào hệ thống tư pháp còn thấp do cải cách tư pháp ở các địa phương diễn ra chậm chạp. Năm 2018, kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 45% DN cân nhắc sử dụng đến tòa án để giải quyết các tranh chấp kinh doanh, dù tỷ lệ này đã cao hơn so với năm 2017 (36%).


H.THOAN (lược ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 07-11-2019