Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020
Chính trị - Ngày đăng : 17:15, 11/11/2019
(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, mở đầu phiên họp sáng nay (11/11), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2020, với 88,20% đại biểu Quốc hội tán thành.
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 |
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.
Phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Tiếp tục thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm 2020, Chủ tịch Đại hội đồng lần thứ 41 Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
GDP tăng khoảng 6,8%
Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua 12 chỉ tiêu kinh tế- xã hội chủ yếu năm 2020. Trong đó, Nghị quyết xác định, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%.
Theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), có ý kiến đề nghị quyết định chỉ tiêu GDP tăng từ 6,8% trở lên, ý kiến khác đề nghị chỉ tiêu này nên trong khoảng từ 6,7-6,8%, không ghi "khoảng 6,8%".
UBTVQH cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2019, dự báo về bối cảnh, tình hình của năm 2020 còn nhiều biến động khó lường, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế.
Chính phủ báo cáo Quốc hội mục tiêu tăng GDP năm 2020 khoảng 6,8% là mức tăng hợp lý, bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội. Do vậy, xin Quốc hội cho giữ như Dự thảo Nghị quyết.
Đổi mới cơ chế huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho năm 2020, Nghị quyết xác định rõ nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh; tập trung tháo gỡ rào cản, vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và các chỉ số xếp hạng quốc tế. Kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật và các thiết chế, cơ chế liên quan đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế.
Đổi mới cơ chế huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực; phát triển đồng bộ các loại thị trường; tiếp tục khơi thông và tạo ra những động lực tăng trưởng mới; tập trung giải pháp thu hút mạnh mẽ nguồn lực trong nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân.
Khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các loại hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh và sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư, xây dựng các dự án lớn.
Thực hiện hiệu quả Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan đến quy hoạch; khẩn trương xây dựng, phê duyệt hệ thống các quy hoạch. Đánh giá việc thực hiện Luật Thống kê; nghiên cứu, xây dựng các hệ thống chỉ tiêu kinh tế- xã hội phù hợp cho giai đoạn 2021-2025.
Nghị quyết cũng xác định, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Theo dõi diễn biến của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán… để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa, phấn đấu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Tăng cường kỷ luật tài chính, NSNN; bảo đảm công khai, minh bạch và tăng cường tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; đẩy mạnh thực hiện đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập…
Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN; quản lý chặt chẽ các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN; kiên quyết điều chỉnh vốn của các dự án không triển khai được hoặc chậm triển khai để tập trung cho các dự án khác có khả năng giải ngân cao; quyết liệt hoàn thành dự án, công trình chậm tiến độ.
Tiếp tục quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công, tài sản công. Thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán. Thực hiện lộ trình giá thị trường phù hợp đối với giá điện và giá các dịch vụ công thiết yếu như giáo dục, y tế...
Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn
Quốc hội cũng yêu cầu, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động và hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Tiếp tục triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, quyết liệt xử lý các ngân hàng yếu kém; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trong quá trình xử lý nợ xấu. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực hoạt động thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng. Phát triển công nghệ ngân hàng hiện đại và thanh toán điện tử.
Tiếp tục thực hiện việc cơ cấu lại DNNN, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn DNNN theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động các DN sau cổ phần hóa, tối đa hóa lợi ích nhà nước; xử lý kiên quyết, dứt điểm các dự án, DN thua lỗ, kém hiệu quả.
Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành và nội ngành dựa vào lợi thế so sánh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Tập trung phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo. Tiếp tục phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường kết nối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài; tham gia ở mức cao hơn, sâu hơn trong chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Nghị quyết cũng nêu rõ các nhiệm vụ: Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển mạnh kinh tế biển; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại; ưu tiên bố trí nguồn lực, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí; củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới; giữ vững ổn định chính trị, xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế…
12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2020: 1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%. 2. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; 3. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; 4. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; 5. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; 6. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; 7. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%; 8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%; 9. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; 10. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%; 11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; 12. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. |
Tin và ảnh: N. HỒNG