KTNN Việt Nam và KTNN Bu-tan chia sẻ nhiều kinh nghiệm kiểm toán quan trọng

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 22:55, 12/11/2019

(BKTO) - Sáng 12/11, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Đoàn đại biểu KTNN Bu-tan do Tổng Kiểm toán Nhà nước Bu-tan Tshering Kezang dẫn đầu đã có cuộc hội đàm với Đoàn đại biểu KTNN Việt Nam do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh dẫn đầu nhằm chia sẻ các kinh nghiệm kiểm toán hai bên cùng quan tâm.


                
   

Quang cảnh hội đàm

   

Tại hội đàm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh hoan nghênh chuyến thăm và làm việc của Đoàn đại biểu cấp cao KTNN Bu-tan, đánh giá chuyến thăm tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương KTNN Việt Nam- KTNN Bu-tan phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh khẳng định KTNN Việt Nam sẵn sàng hợp tác và ủng hộ KTNN Bu-tan trong khuôn khổ song phương lẫn đa phương. Đồng thời, mong muốn nhận được sự đồng thuận và đóng góp tích cực của KTNN Bu-tan để KTNN Việt Nam thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đã thông tin khái quát về KTNN Việt Nam; mối quan hệ giữa KTNN Việt Nam với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; quy trình KTNN báo cáo Quốc hội về kết quả kiểm toán; mối quan hệ giữa KTNN với truyền thông và các bên liên quan về phát hành báo cáo kiểm toán...

Theo đó,địa vị pháp lý của KTNN Việt Nam đã được Hiến định tại Điều 118, Hiến pháp 2013. KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu KTNN, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước do luật định. Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của KTNN do luật định.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu tại hội đàm

   

Trong mối quan hệ với Quốc hội, phần lớn nhiệm vụ quan trọng mà cơ quan KTNN phải thực hiện nhằm đáp ứng theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội. Ngược lại, Quốc hội cũng trao quyền, đảm bảo điều kiện thực thi nhiệm vụ và giám sát hoạt động của KTNN, như Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất cho KTNN theo quy định của pháp luật.

Để có được sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chuyên môn của Quốc hội nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động, KTNN chủ động xây dựng các mối quan hệ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội. Đặc biệt, KTNN đã ký Quy chế phối hợp công tác với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội.

Về quy trình KTNN báo cáo Quốc hội về kết quả kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, KTNN báo cáo Kế hoạch kiểm toán năm của KTNN tại kỳ họp Quốc hội tháng 10, 11 hàng năm; Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán trước Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội tháng 4, 5 hàng năm; Trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương hàng năm...

Bên cạnh đó, KTNN còn tham gia với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội và các cơ quan khác của Quốc hội trong việc xem xét dự toán NSNN; phương án phân bổ ngân sách Trung ương; phương án điều chỉnh dự toán NSNN; quyết toán NSNN...

Về mối quan hệ giữa KTNN với truyền thông và các bên liên quan nhằm phát hành báo cáo kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, theo Luật KTNN, Báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi phát hành được công bố công khai, trừ những nội dung thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật. Trong đó, KTNN có thể lựa chọn một hoặc một số hình thức như: Họp báo; Công bố trên Công báo và phương tiện thông tin đại chúng; Đăng tải trên trang thông tin điện tử và các ấn phẩm của KTNN; Niêm yết tại trụ sở của đơn vị được kiểm toán.

Hiện KTNN có mối quan hệ hợp tác với hơn 50 cơ quan báo chí, truyền thông trong cả nước. Trong đó, ký kết Thỏa thuận hợp tác thông tin tuyên truyền với 05 cơ quan báo chí Trung ương, góp phần định hướng dư luận và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật kiểm toán của các tổ chức, cá nhân trong xã hội cũng như xác định đúng vai trò và vị thế của KTNN.
                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Bu-tan Tshering Kezang phát biểu tại hội đàm

   

Cảm ơn những chia sẻ của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh tại hội đàm, Tổng Kiểm toán Nhà nước Bu-tan Tshering Kezang và Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bu-tan Chimi Dorji đã giới thiệu với KTNN Việt Nam về kinh nghiệm thực hiện chuẩn mực kiểm toán quốc tế ISSAIs tại KTNN Bu-tan.

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bu-tan Chimi Dorji, ISSAIs là bộ chuẩn mực kiểm toán do Tổ chức Quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) hướng dẫn cho tất cả các Cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới. KTNN Bu-tan thực hiện áp dụng ISSAIs vào hoạt động kiểm toán từ năm 2016. Việc thực hiện ISSAIs là ý tưởng lớn của Tổng Kiểm toán Nhà nước Bu-tan với mục tiêu là tăng cường chất lượng, uy tín và tính chuyên nghiệp của cơ quan kiểm toán.

Để tiến hành áp dụng ISSAIs, trước tiên KTNN Bu-tan thực hiện chỉ định bổ nhiệm hai Nhóm gồm Nhóm dự án (thực hiện kiểm toán thí điểm và đảm bảo chất lượng) và Nhóm hướng dẫn (thực hiện chức năng đào tạo kiểm toán viên). Tiếp đó, năm 2017, KTNN Bu-tan cử 60 kiểm toán viên sang đào tạo tại KTNN Ấn Độ về áp dụng ISSAIs trong hoạt động kiểm toán.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bu-tan Chimi Dorji giới thiệu với KTNN Việt Nam về kinh nghiệm thực hiện chuẩn mực kiểm toán quốc tế ISSAIs tại KTNN Bu-tan

   

Sau quá trình chuẩn bị, KTNN Bu-tan tiến hành kiểm toán thí điểm ở cả 3 loại hình kiểm toán. Kiểm toán báo cáo tài chính được thực hiện tại Quận Wangdue, Ủy ban đất đai quốc gia; kiểm toán báo cáo tài chính về đất đai và xây dựng tại tỉnh Thimphu và Bộ Y tế; kiểm toán hoạt động về việc cấp phát nước uống tại tỉnh Thimphu… Sau khi có kết quả kiểm toán thí điểm, KTNN Bu-tan đã trình lên Quốc hội.

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bu-tan Chimi Dorji, sau 4 năm thực hiện kiểm toán theo ISSAIs, “ưu điểm lớn nhất là chúng tôi nhận ra sự khác biệt rõ hơn giữa 3 loại hình kiểm toán. Đồng thời, xây dựng được tinh thần đồng đội, tinh thần làm việc nhóm giữa các kiểm toán viên”. Tuy nhiên, thực hiện kiểm toán theo ISSAIs, KTNN Bu-tan cũng gặp phải thách thức đó là sự thiếu hụt về kinh phí và nguồn nhân lực; nhiều kiểm toán viên giỏi đã bỏ việc vì những áp lực lớn trong công việc.

Tại hội đàm, Tổng Kiểm toán Nhà nước Bu-tan Tshering Kezang và Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bu-tan Chimi Dorji cũng đã giải đáp nhiều câu hỏi của KTNN Việt Nam xung quanh quá trình áp dụng ISSAIs trong hoạt động kiểm toán.

Đánh giá cao những chia sẻ của KTNN Bu-tan, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đề nghị trong thời gian tới, hai bên tiếp tục tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như: xây dựng và thực hiện kế hoạch chiến lược, kế hoạch hoạt động trung hạn, kế hoạch năm; đảm bảo chất lượng kiểm toán; kiểm toán hoạt động; kiểm toán môi trường (rừng, nước, khai khoáng,...); kiểm toán phục vụ mục tiêu phát triển bền vững…

Tin và ảnh: THANH TÙNG