Quản lý khối tài sản khổng lồ của DNNN qua cơ quan chuyên trách
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:00, 01/09/2016
(BKTO) - Vừa qua, tại Hà Nội,Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã phối hợp với Ngân hàng thếgiới (WB) tổ chức Hội thảo cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nướcđối với vốn nhà nước tại DN: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam.Đây là dịp để CIEM lấy ý kiến và tiếp thu kinh nghiệm quốc tế cho dự thảo “Nghịđịnh về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhànước” mà cơ quan này đang chủ trì xây dựng.
Quản lý DNNN hiện nay làm méo mó thị trường
Vào trung tuần tháng 7/2016, CIEM đã công bố dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để lấy ý kiến rộng rãi. Trình bày về sự cần thiết phải ban hành Nghị định này, CIEM nêu ra 3 lý do. Một là để thể chế hóa chủ trương của Đảng về DNNN và mô hình thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước. Hai là sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật về tổ chức thực hiện các quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN phù hợp với các luật mới ban hành. Ba là đáp ứng yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập đối với DNNN.
Tổng tài sản của các DNNN hiện nay là 5.408,4 triệu tỷ đồng. Ảnh: TL
Sau khi đề xuất này đưa ra đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, trong đó cũng có ý kiến bày tỏ sự không đồng tình vì cho rằng đây sẽ là “siêu ủy ban”, “siêu bộ” quản lý một khối tài sản công khổng lồ, khó đạt được mục tiêu là cơ quan chuyên trách. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông khẳng định, việc quản lý DNNN như hiện nay làm méo mó thị trường. Tên gọi Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN chỉ là đề xuất của Ban soạn thảo đưa ra để đóng góp, bàn thảo. Nói đây là cơ quan “siêu bộ” là cách hiểu sai, lập một cơ quan quản lý chuyên về nghiệp vụ kinh tế của các DNNN không giống như các bộ đang làm 2 việc một lúc như hiện nay. Việc thành lập cơ quan chuyên trách là cần thiết bởi khi tách bạch chức năng, bộ chuyên ngành sẽ chuyên sâu vào chức năng quản lý nhà nước, DN nào vi phạm thì bị xử lý bình đẳng như nhau.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM: mục tiêu thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn nhà nước tại DN là để tách bạch chức năng chủ sở hữu với các chức năng khác của nhà nước trong quản lý kinh tế nhằm thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Mục tiêu quản lý hiệu quả khối tài sản của DNNN
Hiện tổng tài sản của DNNN là 5.408,4 triệu tỷ đồng (tương đương 240 tỷ USD), cao gấp hơn 1,2 lần GDP nhưng hiệu quả đầu tư của khối DNNN luôn vẫn thấp hơn khu vực tư nhân. Trên thực tế, DNNN đang lấn át tỷ lệ về vốn và số dự án đầu tư so với khu vực tư nhân nhưng tỷ lệ lợi nhuận/vốn đầu tư luôn thấp hơn 2 lần so với khu vực tư nhân. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của quản lý tài sản công mà các DNNN đang nắm giữ trong nền kinh tế, ông Dag Detter - Chuyên gia của WB, cho rằng: “Nếu quản lý tốt có thể tạo ra sự thịnh vượng đối với nền kinh tế. Thời gian qua, nguồn lực này vẫn chưa được khai thác hiệu quả để phục vụ cho phát triển kinh tế ở Việt Nam. Đáng lo ngại hơn, phần lớn các bất động sản nằm trong tay DNNN không thể hiện rõ năng suất và lợi ích trong việc sử dụng”.
Ông Nguyễn Đình Cung thừa nhận, hiện khối DNNN đang sở hữu nhiều tài sản nhất trong nền kinh tế, nhưng lâu nay vẫn được “quên đi”, không đóng góp xứng đáng vào quá trình phát triển kinh tế đất nước, hiệu quả sản xuất kinh doanh của không ít DNNN kém hiệu quả, thậm chí là thua lỗ.
Nhận xét về ý tưởng thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN, ông William P.Mako, chuyên gia cố vấn của WB, cho rằng: “Việc thành lập Ủy ban là giải pháp tốt thứ hai nếu chúng ta chưa có giải pháp nào tốt hơn trong việc giải quyết những vấn đề manh mún trong quản trị DN tại các DNNN của Việt Nam”.
Tuy nhiên, có một số điểm cần lưu ý, chẳng hạn Dự thảo Nghị định quy định cơ quan chuyên trách là cơ quan thuộc Chính phủ, chịu sự quản lý trực tiếp của Chính phủ. Vì thế, cần phải làm rõ địa vị pháp lý của cơ quan này trong Chính phủ Việt Nam; người đứng đầu cơ quan chuyên trách có vị trí như thế nào trong Chính phủ; so với các Tập đoàn, liệu Ủy ban đã đủ thẩm quyền thực hiện quyền luật định làm chủ sở hữu nhà nước chưa? - ông William P.Mako nêu rõ.
Chia sẻ giải pháp xử lý những quan ngại về vấn đề tập trung quyền lực kinh tế mà không gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN, ông William P.Mako nhấn mạnh, cần phải quy định Ủy ban duy trì chế độ báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; người nắm giữ cương vị Chủ nhiệm Ủy ban nên được cấp hàm, quy định nhiệm vụ và nhiệm kỳ công tác. Đồng thời, cơ quan này phải được kiểm toán và thực hiện trách nhiệm công khai thông tin, cũng như chịu sự giám sát của Quốc hội.
PHÚC KHANG