Tái cơ cấu ngân hàng: Tiếp tục những công việc còn dang dở
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 10:00, 01/09/2016
(BKTO) - Tái cơ cấu ngânhàng giai đoạn 2011-2015 đã giúp giảm được 19 tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thanh khoản dồi dào, tránh được nguy cơ đổ vỡ và gópphần làm lành mạnh hệ thống… Mặc dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia, tronghành trình tái cơ cấu vừa qua, không ít công việc còn dang dở đang cần ngànhNgân hàng tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Nợ xấu, sở hữu chéo…chưa được xử lý dứt điểm
Chặng đường tái cơ cấu đã qua ghi nhận những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các TCTD trong việc đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo báo cáo của NHNN, đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống vẫn ở mức cho phép (2,58%). Tuy nhiên, nhìn lại tiến trình xử lý nợ xấu, không ít chuyên gia tỏ ra quan ngại bởi nợ xấu vẫn chủ yếu được gom vào kho chứ chưa có hướng xử lý một cách triệt để.
Nhiệm vụ tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn tới vẫn còn không ít việc cần phải giải quyết triệt đểẢnh: TK
Kết quả kiểm toán Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015 mà KTNN công bố mới đây cũng đã phản ánh xử lý nợ xấu chưa thực chất bởi phần lớn khối nợ vẫn đang nằm ở VAMC; khâu xử lý tài sản đảm bảo còn nhiều vướng mắc; một số đơn vị có tỷ lệ nợ phải thu khó đòi cao; một số khoản tồn đọng từ nhiều năm chưa có biện pháp thu hồi và xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém có chất lượng tín dụng không tốt, tạo áp lực lớn trong việc bảo đảm mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và hiệu quả hoạt động như cam kết tại phương án cơ cấu lại. Nhu cầu tăng vốn điều lệ trong điều kiện NSNN khó khăn cũng đặt ra nhiều thách thức đối với tái cơ cấu ngân hàng.
Trong hành trình tái cơ cấu, mặc dù tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo bước đầu đã được kiểm soát nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hiện tại, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn đang sở hữu cổ phần từ trên 5-10% tại 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) vẫn đang nắm giữ 8,76% vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Chính vì sở hữu chéo mà các cổ đông của Eximbank đã bất đồng quan điểm về vấn đề nhân sự. Chưa kể, những đại án trong ngành Ngân hàng được đưa ra xét xử gần đây cho thấy sở hữu chéo vẫn còn phức tạp.
Tái cơ cấu ngân hàng từng được coi là điểm sáng trong tái cơ cấu nền kinh tế. Thế nhưng, bên cạnh những thành công nhất định, giai đoạn qua, nhiều vấn đề, nhiệm vụ của tái cơ cấu vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngân hàng
Thực tế trên có lẽ chính là một phần lý do để Dự thảo Đề án Kế hoạch Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể đối với tái cơ cấu ngân hàng. Theo đó, đến năm 2020, phải hoàn tất cơ bản tái cơ cấu các TCTD, giảm mạnh rủi ro hệ thống, tăng cường độ rộng và hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính trên cơ sở cắt giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững và cắt giảm đáng kể các ngân hàng yếu kém, kéo lãi suất cho vay xuống mức khoảng 5%, đảm bảo 70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ Hiệp ước Basel II về giám sát ngân hàng.
Như vậy, xử lý nợ xấu chính là một trong những mục tiêu cần được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Đó cũng là điều mà các chuyên gia kinh tế kỳ vọng ở Đề án Tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016-2020 gắn với xử lý nợ xấu mà NHNN đang chuẩn bị trình Chính phủ. Bên cạnh các giải pháp từng được các chuyên gia đề xuất nhiều lần, tại buổi làm việc với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn đặt vấn đề: Định hướng sử dụng công cụ Bảo hiểm tiền gửi như thế nào vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng để xử lý nợ xấu?
Cùng với việc xử lý nợ xấu, giải quyết sở hữu chéo một cách triệt để cũng là đích ngắm của tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016-2020. Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài việc yêu cầu các TCTD giảm tỷ lệ sở hữu về đúng quy định, NHNN phải tăng cường giám sát, kiểm soát vấn đề sở hữu của các ngân hàng, hạn chế tối đa tình trạng cấp tín dụng cho các công ty sân sau, cho vay, đầu tư lẫn nhau…
Hiện nay, trong số 35 ngân hàng thương mại của toàn hệ thống, có tới 4 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nhà nước khá cao (từ 64,4-100%) gồm: Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank), Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Sở hữu phân nửa tổng tài sản và vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng song các ngân hàng này lại có chức năng, nhiệm vụ, sản phẩm, dịch vụ… tương đối giống nhau. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, để tránh lãng phí, tạo nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển, giai đoạn 2016-2020 cũng là khoảng thời gian thích hợp để ngành Ngân hàng tính toán, cân nhắc sắp xếp lại những ngân hàng thương mại nhà nước. Thậm chí, ngay cả TCTD đã hoàn thành tái cơ cấu hoặc được NHNN mua lại với giá 0 đồng thì hoạt động của những ngân hàng này cũng cần được giám sát chặt chẽ để kịp thời giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc nảy sinh.
NGỌC MAI