Đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước
Đối nội - Ngày đăng : 14:38, 15/11/2019
(BKTO)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, tại phiên họp sáng nay (15/11), Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Một trong những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật là Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định về DNNN.
Đảm bảo sự chi phối của Nhà nước đối với hoạt động của DN
Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, Dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về DNNN như sau:
DN có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước được cụ thể hóa bằng tiêu chí Nhà nước “sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết” của DN đó. Theo đó, DN mà Nhà nước có cổ phần, phần vốn góp chi phối là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Việc sửa đổi này cũng nhằm nâng cao yêu cầu về quản trị đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có sở hữu chi phối của Nhà nước theo hướng tăng mức độ kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa trong hoạt động của DN.
Theo đó, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định để mở rộng phạm vi đối tượng người có liên quan không được làm thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc; bổ sung quy định công khai hóa thông tin của DN; sửa đổi quy định về cổ phần ưu đãi biểu quyết do Nhà nước nắm giữ (cổ phần “vàng”) theo hướng không giới hạn về thời gian và mức độ biểu quyết ưu đãi...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra Luật DN (sửa đổi)- Ảnh: quochoi.vn |
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc thay đổi khái niệm DNNN như quy định tại Dự thảo Luật là một vấn đề lớn, quan trọng. Cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi khái niệm DNNN tới hoạt động của các DN sẽ trở thành DNNN theo quy định của Dự thảo Luật này.
Đồng thời, đánh giá tác động đến việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp.
Tiếp tục rà soát Dự án Luật và tất cả các luật khác có liên quan. Nếu có nội dung cần phải điều chỉnh hoặc bãi bỏ thì quy định rõ tại Dự thảo Luật, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp; bổ sung quy định việc xử lý đối với các DN sẽ trở thành DNNN sau khi Luật DN (sửa đổi) có hiệu lực thi hành nhằm tránh gây xáo trộn, khó khăn không cần thiết cho hoạt động của DN.
Liên quan đến tỷ lệ sở hữu vốn hoặc có phần vốn góp tại DN, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc quy định về tỷ lệ sở hữu vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước tại Dự thảo Luật (trên 50%) chưa bảo đảm sự chi phối của Nhà nước đối với các quyết định quan trọng, chi phối hoạt động của DN, bao gồm việc thông qua nghị quyết của Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần.
Nhà nước nắm giữ 75% vốn là hợp lý
Từ phân tích trên, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, xác định tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước phù hợp (tỷ lệ thấp nhất là 75%), bảo đảm được sự chi phối của Nhà nước trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của DN, đồng thời hài hòa với quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên góp vốn, cổ đông khác nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại DN.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ- Ảnh: Đ. KHOA |
Thảo luận tại tổ ngay sau đó, đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão (Nghệ An), Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu) bày tỏ đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra. Các đại biểu cho rằng, số vốn Nhà nước nắm giữ tại DN phải từ 75% trở lên là hợp lý. Trên cơ sở đó, Nhà nước mới có thể điều hành, quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động và hiệu quả hoạt động của DN.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nhấn mạnh quan điểm cho rằng, đã là DNNN thì Nhà nước phải nắm giữ 100% còn dù là DN Nhà nước chi phối thì vẫn thuộc loại hình DN khác (DN hỗn hợp).
Cũng đề cập đến quy định về DNNN, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) đề nghị cần làm rõ hơn tính chất hoạt động của DNNN để đảm bảo lấy tiêu chí hiệu quả kinh tế làm tiêu chí định lượng.
Đ. KHOA