Băn khoăn quy định bỏ con dấu doanh nghiệp
Đối nội - Ngày đăng : 15:37, 15/11/2019
(BKTO) - Đề xuất của Chính phủ về quy định bỏ con dấu DN trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn vì cho rằng, quy định này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt pháp lý
Bảo đảm quản lý nhà nước đối với đăng ký doanh nghiệp
Theo Tờ trình của Chính phủ, liên quan đến nội dung về đăng ký DN, Dự thảo Luật DN (sửa đổi) bổ sung quy định về đăng ký DN qua mạng thông tin điện tử. Theo đó, người thành lập DN có thể thực hiện đăng ký DN qua mạng với bộ hồ sơ điện tử (không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay). Đồng thời, Dự thảo Luật bãi bỏ 02 thủ tục không còn cần thiết, gồm thủ tục thông báo mẫu dấu và thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN.
Toàn cảnh phiên họp sáng 15/11- Ảnh:quochoi.vn |
Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục hành chính là cần thiết và phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đăng ký DN, tiết kiệm chi phí và thời gian cho DN, do vậy tán thành với quy định của Dự thảo Luật.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định bảo đảm quản lý nhà nước đối với việc đăng ký thành lập DN qua mạng thông tin điện tử, kiểm soát chữ ký số công cộng, bảo đảm tính pháp lý của chữ ký điện tử để có thể giải quyết các tranh chấp pháp lý (nếu có) xảy ra liên quan đến vấn đề này.
Đề cập vấn đề này tại phiên thảo luận tổ sáng 15/11, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) băn khoăn, vừa qua, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến nhiều về tình trạng nợ đọng thuế, tình trạng người kinh doanh bỏ địa chỉ kinh doanh của mình. Theo đại biểu, chúng ta rất muốn cải tiến thủ tục đăng ký thành lập DN, song thực tế bình quân một tháng có trên 10 nghìn DN đăng ký thành lập nhưng số DN dừng hoạt động, giải thể cũng nhiều.
Đại biểu Ngân nhận xét: “Thủ tục đăng ký quá dễ, dễ hơn người muốn chạy xe Grab hiện nay. Muốn chạy Grab thì tài xế phải làm lý lịch tư pháp, trong khi đó DN chỉ xin giấy phép thành lập DN”. Do đó, đại biểu đề nghị nên xem lại điều kiện đăng ký DN theo hướng tạo điều kiện rõ ràng nhưng “phải đảm bảo được, kiểm tra được, tránh tình trạng DN nợ đọng thuế, trốn thuế rồi phải tìm rất khó”.
Bỏ con dấu doanh nghiệp- giảm thủ tục hành chính nhưng tăng thủ tục pháp lý
Liên quan đến quy định về con dấu DN, Dự thảo Luật quy định theo hướng, DN có quyền quyết định có hoặc không có con dấu; quyết định số lượng, hình thức và và nội dung con dấu của DN… Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định này.
Về vấn đề này, theo quan điểm của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc quy định DN có quyền quyết định có hoặc không có con dấu là quy định mới của Dự thảo Luật, giúp giảm một thủ tục hành chính cho DN và hiện nay ở nhiều nước trên thế giới quy định về văn bản, hợp đồng,... chỉ cần có chữ ký mà không cần có con dấu là chính thức hợp pháp.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ- Ảnh: Đ. KHOA |
Tuy nhiên, việc bỏ con dấu có thể giảm thủ tục hành chính cho DN nhưng sẽ phát sinh những thủ tục khác phức tạp hơn khi có tranh chấp xảy ra. DN phải chứng minh tính pháp lý của chữ ký trong trường hợp có tranh chấp đó. Ở nước ta hiện nay, con dấu đang trở thành một yếu tố bảo đảm độ tin cậy để khẳng định địa vị pháp nhân của doanh nghiệp, niềm tin và chính danh đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thuận lợi cho cơ quan quản lý. Đồng thời, việc bỏ con dấu cũng cần rà soát với các luật khác do một số luật hiện hành có quy định về con dấu của doanh nghiệp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về vấn đề này.
Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần phải đánh giá tác động, cân nhắc kỹ khi bỏ con dấu trong điều kiện, môi trường kinh doanh ở nước ta hiện nay, nên thận trọng, tiếp cận từng bước vấn đề này.
Thảo luận vấn đề này, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) lo ngại, việc cho phép DN không cần có con dấu có thể dẫn đến vượt tầm kiểm soát và có thể dẫn đến những nhiều hệ lụy về mặt pháp lý và các vấn đề liên quan. Trong hoạt động giao dịch kinh doanh, người ta có thể mạo danh chữ ký và khi xảy ra tranh chấp thì xử lý như thế nào? Đại biểu Mão đề nghị Ban soạn thảo cần có giải trình rõ và đảm bảo các quy định pháp luật chặt chẽ, cần tổng kết, đánh giá kỹ, giải trình rõ để quản lý DN, tránh những hệ lụy cho DN trong sản xuất, kinh doanh.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng quy định như Dự thảo Luật là “rất nguy hiểm”.
Theo đại biểu, dù là xu thế tiến bộ nhưng khi xảy ra tranh chấp thì việc xác định chữ ký rất khó. “Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay mà đưa ra quy định DN có thể dùng con dấu có thể không thì tôi hết sức băn khoăn, đề nghị nghiên cứu xem xét lại. Tôi đề nghị chưa nên có quy định này mà chúng ta nên làm từng bước”- đại biểu Tuyết đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, hiện nay việc thực hiện quy định về con dấu DN cũng không vướng mắc gì nhiều, còn nếu bỏ sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề phức tạp nên cần cân nhắc.
Bài và ảnh: Đ. KHOA