Chấn chỉnh hoạt động của nhà thuốc bệnh viện theo kiến nghị kiểm toán
Xã hội - Ngày đăng : 10:00, 01/09/2016
(BKTO) - Từ việc kiểm toán, phát hiện những bất cập trong quản lý hoạt động củanhà thuốc bệnh viện, KTNN đã kiến nghị chấn chỉnh, kiện toàn lại hệ thống nhàthuốc bệnh viện, đảm bảo hoạt động theo đúng quy định. Ghi nhận của phóng viênBáo Kiểm toán tại một số bệnh viện cho thấy, sau kiến nghị của KTNN những tồn tạicủa các nhà thuốc đã được chấn chỉnh.
“Khoán” hoạt động nhà thuốc bệnh viện
Năm 2011, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 15/2011/TT-BYT ngày 19/4/2011 (Thông tư 15) quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện. Theo đó, giám đốc các bệnh viện phải tự tổ chức cơ sở bán lẻ thuốc và chịu trách nhiệm về hoạt động của nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện.
Hoạt động của nhà thuốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã được chấn chỉnh sau kiến nghị kiểm toánẢnh: TK
Tuy nhiên, theo Báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách tiền và tài sản nhà nước năm 2013 của Bộ Y tế, qua kiểm toán 17 bệnh viện cho thấy, bên cạnh một số bệnh viện quản lý nhà thuốc tương đối có hiệu quả, với hệ thống quản lý chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân thì tại một số bệnh viện còn xảy ra tình trạng giao khoán cho khoa Dược hoặc cá nhân kinh doanh, bệnh viện chỉ thu tiền cho thuê mặt bằng như: Bệnh viện Nội tiết Trung ương 28 triệu đồng/tháng; Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TP. HCM 5 triệu đồng/tháng; Bệnh viện E 15 triệu đồng/tháng. Cá biệt tại Bệnh viện 71 (Thanh Hóa) thực hiện giao khoán cho một cá nhân tự bỏ vốn kinh doanh, do đó Bệnh viện không kiểm soát được giá mua, bán các loại thuốc và chỉ nộp về bệnh viện 5 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, một số bệnh viện đã tổ chức hoạt động nhà thuốc theo quy định song chưa xây dựng và ban hành quy chế hoạt động riêng, đồng thời chưa tổng hợp đầy đủ doanh thu bán thuốc vào Báo cáo tài chính của đơn vị như: Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Việt Đức. Đáng chú ý, một số nhà thuốc bán thuốc cho người bệnh vượt mức thặng số do Bộ Y tế quy định như: Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí) có 61/371 danh mục thuốc vượt so với thặng số tối đa; vượt mức cao nhất là 6,3% so với giá mua; Bệnh viện Phụ sản Trung ương có 80/304 mặt hàng có giá vượt quy định, mức vượt từ 0,1 đến 18%.
Nghiêm túc chấn chỉnh theo kiến nghị kiểm toán
Sau kiến nghị của KTNN, Bộ Y tế cho biết, đã thường xuyên nhắc nhở và hướng dẫn các đơn vị trong các văn bản điều hành NSNN. Điển hình là tại Công văn số 968/BYT-KH-TC ngày 6/3/2014, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh phải tổ chức quản lý hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc tại bệnh viện theo đúng quy định. Nghiêm cấm tình trạng bán thuốc cho người bệnh vượt mức thặng số bán lẻ.
Thực tế ghi nhận của phóng viên Báo Kiểm toán cho thấy, tại nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, khu vực nhà thuốc được đầu tư khang trang; việc nhập, bán thuốc được quản lý toàn bộ bằng phần mềm; có khu vực tiếp đón, tư vấn thuốc cho bệnh nhân và có bảng niêm yết công khai giá thuốc. Trao đổi về tồn tại trong quản lý hoạt động của nhà thuốc bệnh viện mà KTNN đã nêu, ông Quách Xuân Kha - Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế Hà Nam) cho biết, sau khi có ý kiến của KTNN, lãnh đạo Sở Y tế đã giao phòng Nghiệp vụ Dược phối hợp với phòng Tài chính, kế toán tổ chức thanh, kiểm tra và chấn chỉnh ngay. Hiện nay, chế độ quản lý của nhà thuốc được thực hiện theo đúng Thông tư 15.
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, sau khi có kết luận kiểm toán, bệnh viện đã nghiêm chỉnh chấp hành hoạt động quản lý nhà thuốc theo đúng quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện. Ths. DS. Lê Thị Uyển - Trưởng khoa Dược của Bệnh viện cho biết, bệnh viện đã thành lập Ban Quản lý nhà thuốc do lãnh đạo Bệnh viện làm Trưởng ban và đã xây dựng Quy chế hoạt động của nhà thuốc bệnh viện. Mọi hoạt động thu chi của nhà thuốc do phòng tài chính, kế toán của bệnh viện thực hiện. Tiêu chuẩn của nhà thuốc được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc”.
NG. HỒNG - NG. LỘC