KTNN Việt Nam thăm và làm việc với một số cơ quan hành chính công Bang New South Wales, Australia
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:45, 19/11/2019
(BKTO) - Tiếp tục các hoạt động thuộc chương trình, bồi dưỡng ngắn hạn tại Australia, ngày 12- 15/11/2019, Đoàn cán bộ cấp cao của KTNN do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc với một số cơ quan thuộc hệ thống hành chính công của New South Wales (NSW), trong đó có Ủy ban độc lập về phòng, chống tham nhũng (ICAC) và Cơ quan kiểm toán NSW (AONSW).
Đoàn KTNN làm việc với Cơ quan kiểm toán New South Wales
ICAC là một cơ quan hiến định độc lập, được thành lập năm 1988, có trách nhiệm báo cáo trực tiếp Ủy ban Nghị viện NSW và thực hiện chức năng phát hiện và ngăn ngừa, giảm thiểu tham nhũng trong khu vực công tại NSW. Đứng đầu ICAC là Ủy viên trưởng và 02 Ủy viên Ủy ban.
Theo quy quy định của pháp luật, tất cả đơn thư khiếu nại, tố cáo đều qua bước đánh giá sơ bộ và chuyển cho bộ phận đánh giá để đưa ra quyết định điều tra. Công tác điều tra là công việc chủ yếu của ICAC và liên quan đến những vụ tham nhũng có tính chất nghiêm trọng hoặc vấn đề dư luận quan tâm. Các kết quả điều tra có thể được công khai chính thức trên các phương tiện truyền thông và thường chiếm khoảng 2% tổng khiếu nại, tố cáo hàng năm.
Kinh nghiệm điều tra và phòng ngừa tham nhũng ở NSW đã chỉ ra một số bài học mang tính thực tiễn cao: Thứ nhất, công tác phòng ngừa tham nhũng nên tập trung vào những quy trình mà các cá nhân có khả năng thực hiện việc kiểm soát một cách đơn phương trong việc ra quyết định và nơi thông tin bị che đậy hoặc thao túng.
Thứ hai, những nhân tố phổ biến có tính hệ thống liên quan đến đạo đức cá nhân thường là quy trình quản lý quan hệ nội bộ và bên ngoài chưa phù hợp; nhận thức sai lệch về lợi ích thu được và đầu tư; sự lạm quyền; công tác quản lý cán bộ yếu kém; việc dung túng hoặc bao che hành vi sai trái.
Thứ ba, những nhân tố có tính hệ thống liên quan đến doanh nghiệp hoặc tổ chức thường là thiếu năng lực hoạt động hoặc thiếu nguồn nhân lực; tiêu chí/định mức đặt ra chưa phù hợp; quy trình quản lý hoạt động yếu kém; thiếu năng lực quản lý sự thay đổi; thiếu hệ thống đảm bảo chất lượng; thất bại trong công tác quản trị…
Cuối cùng, những nhân tố có tính hệ thống liên quan đến quy trình tổ chức thường là sự yếu kém trong quản lý ngân sách, quản lý thông tin, lưu trữ hồ sơ; thiếu cơ chế cảnh báo hoặc giảm thiểu rủi ro; thiếu bước thẩm định hoặc hoạch định…
Tương tự các bang của Australia, New South Wales (AONSW) cũng có một cơ quan kiểm toán độc lập, giúp Nghị viện giám sát việc sử dụng nguồn lực công của Chính phủ với khoảng 290 công chức, kiểm toán viên.
Hàng năm, AONSW thực hiện 550 cuộc kiểm toán tài chính, 20 cuộc kiểm toán hoạt động, 03 kiểm toán tuân thủ và đệ trình Nghị viện khoảng 30 báo cáo kiểm toán. Đơn vị được kiểm toán là các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương và các trường đại học. Khuyến nghị AONSW đưa ra thường tập trung vào việc hoạch định cho tương lai; đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng về những dịch vụ công cơ bản; quy mô đầu tư cho các dự án hạ tầng; quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên; đảm bảo quản trị tốt và minh bạch; ứng phó với sự thay đổi công nghệ số và rủi ro an ninh mạng.
Những kết quả AONSW đạt được thực sự đã mang lại những thay đổi và tác động tích cực cho tiểu bang trong những năm qua, trong đó 91% trong số 422 khuyến nghị được chấp thuận toàn bộ hoặc về mặt nguyên tắc, giúp chính quyền NSW cải tiến nhiều vấn đề như thiết lập một khuôn khổ đảm bảo độc lập mới về đầu tư hạ tầng; xác định đầu vào và đầu ra để đạt sự đồng thuận về dịch vụ trong hệ thống nhà tù; cải tổ và xây dựng chiến lược mới về an ninh mạng; cải tổ các vấn đề văn hóa tổ chức; gia tăng đầu tư trong chiến lược cơ sở hạ tầng trường học…
Diệu Bình- Vụ HTQT