Việt Nam đang trở thành “Trung tâm đổi mới sáng tạo” hàng đầu Đông Nam Á
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 08:50, 19/11/2019
(BKTO) - Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng kinh tế số. Đây là nền tảng vững chắc để ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trở nên vượt trội, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời cũng là cơ hội vàng để Việt Nam bứt phá, trở thành “Trung tâm đổi mới sáng tạo - Innovation Hub” hàng đầu tại khu vực này.
Việt Nam đang nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng kinh tế số. Ảnh: Thái Anh
Bắt kịp xu hướng phát triểncông nghệ mới của thế giới
Theo báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, nền kinh tế số của khu vực này đã đạt đến một cột mốc mới, chạm ngưỡng 100 tỷ USD, tăng tới 72 tỷ USD so với năm ngoái. Đặc biệt, Việt Nam là một trong hai nền kinh tế số có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực, vượt mức 40%/năm. Còn theo khảo sát chỉ số phát triển Chính phủ điện tử 2018 của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã tăng một bậc, xếp thứ 88 trong số 193 quốc gia. Trong đó, Chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI) và Chỉ số tham gia điện tử (EPI) được đánh giá cao với mức tăng từ 0,5 lên 0,75 điểm; Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2019 của Việt Nam cũng tăng 3 bậc so với năm 2018, xếp hạng 42/129 quốc gia và nền kinh tế.
Phát biểu tại Hội nghị Phát triển dịch vụ CNTT với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến cho đổi mới, sáng tạo”, ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Liên minh các DN gia công CNTT Việt Nam (VNITO) - cho biết: Việt Nam đang có tỷ lệ các công ty khởi nghiệp cao thứ ba ở Đông Nam Á với 3.000 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tính đến năm 2019 và tiếp tục tăng lên sau mỗi năm. Các công ty công nghệ của Việt Nam đang đi cùng xu hướng phát triển công nghệ mới của thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở hầu hết các lĩnh vực: dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo, học máy (AI/ML), internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain), chuyển đổi số (Digital Transformation)...
Theo Chủ tịch VNITO, khoảng 10 - 15 năm trước, Việt Nam chỉ là nước xuất khẩu và gia công phần mềm, DN Việt Nam chủ yếu chỉ lập trình thuê, viết code thuê. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, những sản phẩm phần mềm của Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện. Theo đó, các DN nước ngoài đã thuê DN Việt Nam sáng tạo và làm những sản phẩm mà họ chưa làm được hoặc ráp một phần với sản phẩm của họ. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã có đủ các yếu tố để trở thành điểm đến đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang triển khai các đề án xây dựng đô thị thông minh trong cả nước, thúc đẩy các chương trình khởi nghiệp sáng tạo và Đề án Xây dựng TP. HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế. Đây chính là lợi thế rất lớn cho các DN muốn triển khai sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ mới, đồng thời là cơ hội vàng để ngành công nghiệp CNTT Việt Nam bứt phá, trở thành “Trung tâm đổi mới sáng tạo” hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Tận dụng cơ hội để thu hút các nhà đầu tư
Thực tế cho thấy, đối với lĩnh vực CNTT, từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã thu hút được các dự án đầu tư lớn, có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cụ thể như: Bình Dương đã cấp phép cho Dự án Cung cấp dịch vụ internet do Tập đoàn NTT (Nhật Bản) liên doanh với Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, với vốn đầu tư đăng ký là 171 triệu USD; Đồng Nai cấp phép tăng vốn đầu tư cho dự án của Công ty Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, với vốn đăng ký tăng thêm trên 60,18 triệu USD…
Theo các chuyên gia, hiện nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ở khu vực Đông Bắc Á rất quan tâm tới Việt Nam và xem Việt Nam là động lực cho đổi mới sáng tạo trong khu vực. Phát biểu tại Hội thảo, ông Park Jihwan - CEO Công ty ThinkforBL (Hàn Quốc) - cho biết, hiện thị trường và nguồn nhân lực kỹ sư phần mềm của Hàn Quốc đang bị thu hẹp, gây khó khăn cho các công ty Hàn Quốc. Vì vậy, giải pháp đối với vấn đề này là hợp tác với các đối tác nước ngoài và Việt Nam là địa điểm hàng đầu để giúp các công ty phần mềm Hàn Quốc gia tăng giá trị cạnh tranh toàn cầu.
Bà An Mei Chen - Giám đốc kỹ thuật cấp cao, Tập đoàn Qualcomm (Hoa Kỳ) - cũng đánh giá, Việt Nam đang đi rất đúng hướng khi thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo. Cơ hội để Việt Nam sáng tạo, sản xuất những dịch vụ mới, cải tiến về trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và công nghiệp IoT rất rộng mở. Thực tế, Qualcomm cũng đang hỗ trợ một số công ty khởi nghiệp tại Việt Nam về vấn đề công nghệ và cách đưa các công nghệ đó ra thế giới.
Phân tích rõ hơn về xu hướng này, ông Lâm Nguyễn Hải Long cho biết, sau 10 - 15 năm gia công phần mềm thuê cho các đối tác nước ngoài, các DN Việt Nam đã tích lũy được kinh nghiệm và học hỏi được rất nhiều, từ đó có thể tự chuyển mình lên một nấc thang mới là tự làm ra sản phẩm và được thế giới công nhận. Ngoài ra, kinh tế - xã hội của Việt Nam ngày càng phát triển, tạo nguồn lực triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo. Về nhân lực, thời gian qua, các trường đại học trong nước đã có sự đầu tư, đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo. Các yếu tố trên đã tạo ra sức bật cho ngành CNTT của Việt Nam phát triển. “Hiện có rất nhiều bạn bè quốc tế đến Việt Nam không phải chỉ bán hàng mà còn tìm đối tác hợp tác để làm ra sản phẩm” - Chủ tịch VNITO khẳng định.
Tuy nhiên, dù các hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang có sự phát triển rất tốt nhưng theo Chủ tịch VNITO, đây mới chỉ là hoạt động tự thân, do thị trường thúc đẩy. Nếu có chính sách cởi mở hơn thì hoạt động này chắc chắn sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cũng cần tạo ra được thị trường CNTT ở ngay trong nước để tạo đòn bẩy cho các sản phẩm của Việt Nam tiến ra nước ngoài.
THÙY LÊ