Xúc tiến thương mại không nên chỉ dựa vào ngân sách

Đối nội - Ngày đăng : 06:10, 07/05/2015

(BKTO) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản 4 tháng đầu năm ước đạt 9,13 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,47 tỷ USD, giảm 6%. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh như gạo giảm 4,8% về khối lượng và 9,2% về giá trị; cà phê giảm 41% về khối lượng và 39,3% về giá trị; cao su tăng 37,7% về khối lượng nhưng lại giảm 0,6% về giá trị. Giá trị xuất khẩu thuỷ sản 4 tháng ước đạt 1,87 tỷ USD, giảm 16,6%, trong đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ sụt giảm nhiều nhất, tới gần 34%.



Theo lãnh đạo Bộ Công thương, Chương trình XTTM quốc gia hiện nay còn chậm đổi mới so với xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường Ảnh: TTXVN
Vì sao xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm mạnh?

Những diễn biến bất lợi đối với xuất khẩu nhóm các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trong 4 tháng đầu năm đã khiến cho các cơ quan chức năng hữu quan thực sự lo lắng. Chính vì thế, Bộ Công thương vừa chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các Hiệp hội ngành hàng, đại diện các DN lớn liên quan tổ chức Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.

Theo phân tích của lãnh đạo Bộ Công thương, khó khăn trong xuất khẩu thủy sản là do diễn biến tỷ giá gây bất lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bởi cho đến nay, trên 90% các hợp đồng xuất, nhập khẩu của thủy sản Việt Nam đều sử dụng đồng USD để thanh toán do truyền thống và tính ổn định của đồng tiền này. Năm 2015, nguồn cung tăng do sản xuất của các nước xuất khẩu tôm trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ… cơ bản khôi phục được và bất lợi về thuế chống bán phá giá khiến tôm Việt Nam giảm thị phần ở các thị trường, nhất là thị trường Hoa Kỳ.

Đối với cá tra, kết quả của đợt rà soát thuế chống bán phá giá tháng 01/2015 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cao hơn hẳn so với các đợt rà soát trước đó gây nhiều khó khăn cho DN xuất khẩu cá tra. Với mặt hàng gạo, nguyên nhân là do một số nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ đã có lượng tồn kho cao, nên không ngừng nỗ lực đẩy giảm tồn kho bằng nhiều biện pháp như giảm mạnh giá bán nhằm giành lại các thị trường quan trọng, tạo sức cạnh tranh trên tất cả các phân khúc thị trường.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu nhận định: thuế, thủ tục thông quan, tỷ giá đồng USD, sức cạnh tranh của DN, trình độ công nghệ trong sản xuất, sự bão hòa trong cung - cầu… là những nguyên nhân tác động đến sự sụt giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản những tháng vừa qua.

Eo hẹp kinh phí xúc tiến thương mại

Cùng với những nguyên nhân trên, tại cuộc Tọa đàm “Tiêu thụ nông sản: Liên kết từ sản xuất đến thị trường” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức gần đây, một nguyên nhân lớn khác đã được các chuyên gia chỉ ra, đó là do công tác xúc tiến thương mại (XTTM) đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam chưa được chú trọng đúng mức.

Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2014, tổng ngân sách dành cho hoạt động XTTM cả nước chỉ là 110 tỷ đồng. Vào cuối năm 2014, riêng lĩnh vực nông, thủy sản của khu vực Tây Nam bộ (vùng xuất khẩu nông sản chủ lực của cả nước), chương trình XTTM đã phê duyệt 17 đề án với kinh phí 21,69 tỷ đồng. Trong đó, thủy sản được phê duyệt 2 đề án với tổng kinh phí 6,19 tỷ đồng; Hiệp hội Lương thực Việt Nam được phê duyệt 2 đề án với kinh phí 1,04 tỷ đồng.

Đối với các đề án XTTM do địa phương thuộc khu vực Tây Nam bộ chủ trì đề xuất, Bộ Công thương đã phê duyệt 30 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ trên 8,4 tỷ đồng. Năm 2015, Chương trình XTTM quốc gia cũng đã được phê duyệt, gồm 212 đề án của 70 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí là 100 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam: “Kinh phí XTTM cả năm của nước ta chỉ trên dưới 5 triệu USD. Trong khi đó, chỉ riêng một mặt hàng cá hồi của Na Uy, số tiền cho XTTM một năm đã lên tới 100 triệu USD. Tại sao chúng ta có ít thế mà họ có nhiều thế? Đó là vì cơ chế khác nhau. Làm XTTM không thể chỉ dựa vào tiền ngân sách. Chúng tôi cho rằng cần lập ra quỹ ngành hàng bằng cách: Nếu chúng ta thu mỗi 1 kg cá tra phi lê xuất khẩu 1 cent, thì một năm chúng ta có 6,5 triệu USD cho XTTM; nếu thu 10 cent thì chúng ta có 65 triệu USD. Như vậy chẳng kém là bao so với Na Uy”.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, Chương trình XTTM quốc gia hiện nay còn chậm đổi mới so với xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường. So với sự phát triển của thị trường và công nghệ cũng như diễn biến kinh tế thế giới thì cơ chế chính sách về XTMT cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung.

Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về diễn biến thị trường, đẩy mạnh việc phát triển hệ thống thương mại nội địa, nhất là hệ thống phân phối, lưu thông giúp tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tốt hơn. Đặc biệt, các chính sách sẽ tập trung khắc phục và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở xác định lại những sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, giúp định hướng sản xuất cho người nông dân.

THANH TÙNG - HỒNG THOAN