Đường lên Pa Ủ không xa

Xã hội - Ngày đăng : 16:55, 20/11/2019

(BKTO)- 20/11 mỗi năm là dịp để chúng ta được nghe và kể về hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện nói về lòng yêu nghề, sự cống hiến, về những nỗi vất vả, hi sinh thầm lặng của các thầy giáo, cô giáo cho thế hệ mai sau. Nhưng hôm nay, tôi muốn kể một câu chuyện khác, về những con người chưa một lần đứng trên bục giảng, chưa một lần cầm phấn nhưng lại là những người thầy, người cô được những đứa trẻ và cả người dân tại Pa Ủ kính yêu nhất.


Như một cái duyên, tôi biết đến anh Lưu Anh Tú và chị Lê Thu Huyền qua câu chuyện kể rất tình cờ của một người bạn về hành trình từ thiện cộng đồng, về cái tâm, sự nỗ lực và cả sự đánh đổi đáng quý của họ. Một câu chuyện từ thiện không mới, nhưng lại có một cách thức thực hiện hoàn toàn khác biệt.

Anh Tú và chị Huyền là hai kiến trúc sư trẻ, họ có một sự nghiệp ổn định trong những công ty kiến trúc lớn. Thế nhưng niềm yêu thích đối với công việc tình nguyện của họ còn lớn tất cả mọi thứ. Từ bỏ công việc nơi thành phố hào hoa, họ đến với Pa Ủ trong hành trình xây dựng trường nội trú cho trẻ em tiểu học nơi đây.
                
   

Anh Tú (ngoài cùng bên trái), chị Huyền (người đứng giữa hàng thứ 2) và nhóm tình nguyện tại Pa Ủ- Ảnh: Lê Huyền

   
Pa Ủ là một xã nằm sát biên giới Việt- Trung thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, cách Hà Nội 761 km. Để lên được Pa Ủ, chúng tôi phải đi liên tục gần 2 ngày với 260 km phải di chuyển bằng xe máy. Địa hình đường núi xấu, chủ yếu là đường đất trải đá dăm. Mùa khô thì bụi, mùa mưa thì sạt lở. Pa Ủ như bị ngăn cách với "thế giới văn minh" bên ngoài. Lần đầu tiên chúng tôi đến Pa Ủ đã là vào 9 rưỡi tối, Pa Ủ nằm im lìm, mịt mờ trong màn đêm, không một ánh điện. Những con đường và thời tiết khắc nghiệt của nơi này dường như lúc nào cũng sẵn sàng để lấy đi hết sức lực của những người lần đầu đặt chân đến.

Theo lời hướng dẫn của anh Tú và chị Huyền, tôi đi sâu vào trong bản Mu Chi và bản Thăm Pa- nơi hai ngôi trường nội trú được xây dựng để cảm nhận về cuộc sống người dân Pa Ủ. Người Pa Ủ chủ yếu là người dân tộc La Hủ- một trong ba dân tộc thiểu số ít người nhất Việt Nam. Vị trí xa, đường đi xấu, thiếu nước, không điện, người dân La Hủ sống bằng những ngày dài lên rừng, đi nương. Dựa vào núi, vào rừng, vào bản năng mà tồn tại. Trẻ con La Hủ đã quen với đói nghèo, cứ sống hồn nhiên và hoang dại như cây cỏ. Có những đứa trẻ nếu may mắn được đi học thì phải đi bộ hàng chục cây số mới đến được trường.
                
   

Nụ cười của những đứa trẻ Pa Ủ

   
Anh Tú và chị Huyền đã sống cùng những người dân và trẻ em Pa Ủ trong suốt hơn 3 tháng. Cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt và cùng nhau xây dựng trường nội trú. Anh chị tâm sự, thứ anh chị hướng đến là những giá trị mang tính bền vững. Anh chị không chỉ đơn giản muốn xây một mái trường, mà còn muốn dạy cho mọi người cách làm, vận động tất cả người dân cùng chung sức. Bằng tất cả sự nhiệt huyết và chân thành, anh chị cùng nhóm tình nguyện đã xóa tan được khoảng cách và sự nghi ngờ ban đầu của người dân. Trường được xây dựng theo cách thức mới, bằng gạch ép đất không nung, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và rất chắc chắn. Trường dù đơn giản nhưng đó là ước mơ, là nơi chứa những nụ cười của tất cả trẻ em Pa Ủ.

Mỗi viên gạch của trường nội trú đều là công sức của những người dân Pa Ủ. Anh Tú và chị Huyền mang lên một chiếc máy ép gạch không nung và đến từng nhà dân vận động mọi người cùng tham gia xây dựng trường. Anh Tú chia sẻ, khung cảnh khi mọi người và cả các em nhỏ cùng nhau kiễn nhân ép từng viên gạch, xây từng bức tường, đan từng tấm ván của trường nội trú là một trong những kỉ niệm hạnh phúc nhất của anh.

Ở Pa Ủ, vào mùa khô khi suối cạn nước là lúc cuộc sống trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Không có nước để sinh hoạt. Việc đầu tiên vào mỗi buổi sáng của các học sinh trường nội trú là đi lấy nước. Có khi cả ngày chỉ lấy được 6,7 xô nước, phục vụ cho sinh hoạt của 50 con người. Nhưng với các em, được đi học, được có một mái nhà nội trú đã là một niềm vui. Các em sẽ không phải đi bộ đi học hàng ngày nữa. Trong ngôi trường nội trú, các em được ăn đủ bữa, được quan tâm và dạy bảo để các em có thể tự chăm sóc cho cuộc sống của bản thân. Chị Huyền nói, những đứa trẻ ấy là nguồn động lực lớn nhất của anh chị, để anh chị cố gắng. Những khác biệt trong cách thức thực hiện ý tưởng ban đầu tưởng chừng là việc khó khăn lại trở thành thứ gắn kết người dân Pa Ủ với nhóm tình nguyện.

Không chỉ xây cho các em ngôi trường nội trú mới, anh Tú và chị Huyền còn dạy các em nề nếp sinh hoạt và dậy cả cách chăm sóc, giữ gìn ngôi nhà chung. Các em dù rất nhỏ nhưng đều có thể tự chăm sóc cho bản thân và luôn cùng nhau làm việc. Các em được dạy trồng rau, quét dọn nhà cửa, mỗi sáng dậy tự gấp gọn chăn màn, sắp bát đũa, bóc mỳ tôm, kê bàn để ăn sáng, hỗ trợ nhau trong công việc... Những điều tưởng chừng rất đơn giản, nhưng ở nơi tận cùng hoang sơ này, đó là một kì tích.
                
   

Các em học sinh tại trường nội trú ở Pa Ủ

   
Anh Tú nói với tôi rằng, trong suốt quá trình làm dự án, từ mà anh nghĩ trong đầu nhiều nhất là từ "không xa". "Những lúc kiệt sức vì đường đi, lo lắng vì mưa rừng làm chậm tiến độ, buồn vì người dân chưa tin tưởng anh đều tự an ủi, động viên mình rằng: sắp đến nơi rồi, không xa nữa đâu. Ngôi nhà nội trú sắp xong rồi, không lâu nữa các em sẽ được sống trong một môi trường tốt hơn. Cố lên! Tương lai hạnh phúc ấy không xa, không còn xa nữa đâu", anh Tú nói.

Ngày tạm biệt, tôi cứ nhìn mãi vào cánh cổng trường ấy. Tôi nhận ra, điều quý giá nhất mà anh Tú, chị Huyền và nhóm thiện nguyện đã làm không phải chỉ là xây lên một ngôi trường, mà là giúp những con người ở đây biết nuôi dưỡng và phát triển khả năng của chính mình, biết tự lực và tin tưởng vào những điều tốt đẹp. Không phải học chữ để lên thành phố sống, mà là biết chữ để thay đổi và bảo vệ chính mảnh đất quê hương của mình, gìn giữ nguyên vẹn chữ S Việt Nam. Chuyến hành trình này đã cho tôi một cách nhìn khác về cuộc sống, một bài học lớn về cách sống. Hãy cho những gì mà họ không nhìn thấy nhưng lại có thể cảm thấy- dù khác biệt về tiếng nói hay cách sống. Đó là những giá trị bền vững nhất mà những người thầy cô thầm lặng ấy đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục gieo vào cuộc sống nơi vùng cao.

Bài và ảnh: AN CHI