Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Cà Mau cần tận dụng lợi thế 3 mặt hướng biển

Đối nội - Ngày đăng : 13:25, 20/11/2019

(BKTO) - Ngày 19/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.



Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đánh giá cao một số kết quả của tỉnh trong phát triển kinh tế-xã hội, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước những năm qua, nhất là trong 10 tháng năm 2019.

Nổi bật như tăng trưởng kinh tế cao hơn cùng kỳ năm trước, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6,38% (cùng kỳ tăng 5,7%), thu ngân sách đạt gần 4.740 tỷ đồng (tăng 22,5%), thu hút 26 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 23.522 tỷ đồng; số lượng khách du lịch tăng 9,3%, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,04% (cả nước là 5,85%)…

Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt công tác chưa có nhiều chuyển biến, như công tác an toàn giao thông. Mặc dù Cà Mau là một trong 17 địa phương có mức giảm tai nạn giao thông cao nhất trên cả nước, nhưng tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn vẫn khá cao, lên đến 30,5%,tỷ lệ tai nạn trên tuyến quốc lộ ở mức 61%.

Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có chuyển biến trong tiếp nhận và xử lý đơn thư, khiếu nại, số buổi tiếp dân và số lượt người dân được tiếp tăng, nhưng vẫn còn 17 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài còn tồn đọng, tiềm ẩn nhiều phức tạp. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm trong bảo quản và chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm, buôn lậu xăng dầu trên biển vẫn chưa chuyển biến tích cực.

Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế tăng cao hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp so với các tỉnh trong vùng ĐBSCL (đứng thứ 12/13). Thu ngân sách chỉ mới đáp ứng được khoảng trên 50% yêu cầu chi. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Hoạt động liên kết vùng trong thương mại với các tỉnh còn yếu. Hạ tầng du lịch chưa thực sự hấp dẫn và cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Do vậy, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Cà Mau với lợi thế với 3 mặt hướng biển cần tận dụng, khai thác hiệu quả để phát triển kinh tế. Đặc biệt, cần xác định biến đổi khí hậu vừa là nguy cơ, thách thức, vừa là cơ hội để Cà Mau chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tận dụng các hỗ trợ về thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong quản lý, chỉ đạo điều hành.
Phó Thủ tướng cùng đại diện một số bộ, ngành khảo sát tình hình sạt lở bờ biển Đông. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Cụ thể, cần khẩn trương lập quy hoạch tỉnh và xây dựng cơ chế chính sách, phương án phát triển kinh tế-xã hội, trong đó chú trọng giải pháp kinh tế biển, ven biển trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 2021-2025.

Với nông nghiệp, tính toán cân nhắc kỹ hiệu quả kinh tế giữa trồng lúa và nuôi trồng thủy sản, xác định rõ quy mô vùng trồng lúa để có phương án đầu tư hạ tầng phù hợp, như hệ thống thủy lợi, quy trình canh tác, giống, ứng dụng khoa học công nghệ… Cần xác định rằng, Cà Mau phải là tỉnh có vùng nuôi tôm đứng đầu cả nước gắn với ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời làm rõ các loại hình nuôi công nghiệp, nuôi quảng canh để tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng phục vụ nông dân nuôi trồng có hiệu quả.

Để thu hút nguồn lực đầu tư, Phó Thủ tướng cho rằng tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, phải có quyết tâm chính trị tạo cơ chế thông thoáng, cởi mở để thu hút doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính, công nghệ cao, thân thiện với môi trường về đầu tư, kinh doanh tại địa phương.

Cùng với đó, chú trọng liên kết, kết nối giữa các tỉnh trong khu vực để phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị.

Ngoài ra, chính quyền các cấp cần dành thời gian thích hợp để chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để khiếu nại vượt cấp, đặc biệt là các khiếu nại, tranh chấp đất đai, gây phức tạp về an ninh, trật tự; tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên biển Tây Nam và tại các địa bàn trọng điểm.

Về một số kiến nghị của tỉnh, như: Vướng mắc trong cấp phép đầu tư các dự án trọng điểm năng lượng; đầu tư lưới điện truyền tải 500 kV tuyến Cần Thơ-Cà Mau; cơ chế cấp phát vốn ODA đầu tư cho các dự án phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, việc tăng hạn mức huy động vốn đầu tư cho Cà Mau để tỉnh bố trí các dự án chống sạt lở ven sông, ven biển, khôi phục rừng phòng hộ; nâng cấp, mở rộng Bệnh viện đa khoa Cà Mau; đầu tư một số công trình giao thông; tách khoảng 159 ha rừng ở khu Công viên Mũi Cà Mau ra khỏi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau để phát triển du lịch; một số kiến nghị liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân… Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương với những vấn đề thuộc thẩm quyền cần chủ động tháo gỡ, giải quyết cho tỉnh. Đối với những việc vượt thẩm quyền, các bộ, ngành tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho ý kiến sớm nhất.

Chiều 19/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đại diện một số bộ, ngành đã đi khảo sát tình hình sạt lở bờ biển Đông khu vực Mũi Cà Mau và thị sát công trình điện gió Khai Long.

Theo Mạnh Hùng
baochinhphu.vn