Báo động tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long

Đối nội - Ngày đăng : 14:45, 26/11/2019

(BKTO)- Vấn đề sụt lún ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) được rất nhiều tổ chức khoa học quốc tế và trong nước quan tâm. Trong 25 năm trở lại đây, tình trạng này diễn ra nhanh chóng.


Diễn biến phức tạp

Đồng bằng sông Cửu Long là một đồng bằng non trẻ, hình thành cách đây 7.000 năm do sự bồi lắng của phù sa từ sông Mê Kông và dòng bùn cát ven biển tạo nên. Do vậy, ĐBSCL có cấu tạo nền địa chất rất yếu và rất dễ bị tổn thương, nên bất kỳ một sự tác động nào của tự nhiên hay con người đều gây ảnh hưởng lớn đến khu vực này.
                
   

Hiện tượng sạt lở ở ĐBSCL đang ngày một gia tăng - Nguồn: internet.

   
Trong nhiều năm trở lại đây, hiện tượng xói lở, sạt lở bờ xảy ra ngày càng gia tăng trong hệ thống sông thuộc ĐBSCL với những diễn biến phức tạp, trở thành điểm nóng về sự quan tâm của địa phương, xã hội; đồng thời nhận được sự ưu tiên quan tâm, xử lý của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành.

Thống kê năm 2010, ĐBSCL chỉ có 99 điểm xói lở và sạt lở; đến năm 2019 con số này đã lên đến 681 điểm, tăng gấp 7 lần. Trong đó, từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, tỉnh An Giang xuất hiện 78 điểm sạt lở với trên 91,2 km bờ sông và tỉnh Đồng Tháp xuất hiện 52 điểm sạt lở dọc sông Tiền, sông Hậu, với tổng chiều dài và diện tích sạt lở là 28,5 km và 17,98 ha. Các điểm sạt lở này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, gây cản trở giao thông.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, nguyên nhân sụt lún phần lớn đến từ khai thác sử dụng nước ngầm quá mức. Tốc độ lún cao hơn nhiều so với tốc độ nước biển dâng trên toàn cầu (chỉ vài milimet/năm). Hiện, ĐBSCL chỉ cao 1-2 m so với mực nước biển. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động.

Bên cạnh đó, ĐBSCL đang biến đổi do nhiều nguyên nhân như: biến đổi khí hậu, phá rừng, công nghiệp hóa và xây đập thủy điện, đô thị hóa… Điều này đang đe dọa và ảnh hưởng đến việc sản xuất nông, thủy sản trong khi ĐBSCL là vựa lúa chủ lực của cả nước.

TS Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng, Bộ Xây dựng - nhận định: “ĐBSCL là vùng đất rất mẫn cảm với những thay đổi của tự nhiên. Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì sụt lún đã và sẽ mang đến nhiều hệ lụy cho vùng đất này”.

Cần có hành động quyết liệt

Đưa ra giải pháp về thực trạng này, TS. Huỳnh Công Hòa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - cho rằng, để có được những giải pháp hiệu quả ngăn chặn hiện tượng sạt lở và các diễn biến bồi lắng bất lợi cần phải truy tìm những nguyên nhân, cơ chế vì sao hiện tượng sạt lở xảy ra ngày càng nhiều và ngày càng nghiêm trọng, cũng như nguyên nhân cơ chế làm thay đổi sự bồi lắng ở ĐBSCL.

Tiến sĩ Hòa nhấn mạnh: Để giảm thiểu sự xói lở ở ĐBSCL, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong khu vực cần hành động quyết liệt ngăn chặn việc xây dựng các hồ chứa trên dòng chính sông Mê Kông; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát; quy hoạch đường giao thông và khu dân cư xa bờ sông, kênh, rạch....

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đưa ra nhiều giải pháp khả thi như tập trung nạo vét mở rộng lòng sông phía bờ đối diện và kết hợp xây dựng kè bảo vệ, gia cố cho khu vực đang sạt lở.Các tỉnh, thành phố trong khu vực cần gấp rút thực hiện việc khảo sát, đánh giá các điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở dọc theo các bờ sông quan trọng để đánh giá mức độ nguy cơ sạt lở và thực hiện trước giải pháp công trình ngăn chặn nguy cơ sạt lở, thay vì sạt lở xảy ra rồi mới tập trung xử lý rất tốn kém...

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp khác cũng đã được các nhà khoa học đề cập tới nhằm giảm thiểu khai thác nước ngầm như: hướng dẫn áp dụng thiết kế hệ thống thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững; áp dụng công nghệ vào quản trị về sụt lún đất…
NAM SƠN (Tổng hợp)