Nhìn lại 20 năm ban hành và thực thi Luật Doanh nghiệp

Đối nội - Ngày đăng : 08:20, 26/11/2019

(BKTO) - Đúc rút những thành tựu của 20 năm thi hành các phiên bản của Luật DN, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - chỉ rõ, quyền tự do kinh doanh ngày càng tăng; chi phí tuân thủ đối với DN giảm; mức độ an toàn trong kinh doanh tăng, quyền và tài sản trong kinh doanh được luật pháp bảo vệ; rủi ro từ chính sách, thể chế và thực thi pháp luật ngày càng giảm, dần bị thu hẹp và loại bỏ.



Môi trường kinh doanh ngày càng có những chuyển biến tích cực. Ảnh: TTXVN

Những bước tiến mạnh mẽ

Những thành tựu mà TS. Cung nêu ra đều được các chuyên gia kinh tế đồng tình. Theo chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan, đạt được kết quả đó là nhờ tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải mở rộng quyền tự do kinh doanh, đồng thời đổi mới chức năng quản lý nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với các nguyên tắc quốc tế và cam kết hội nhập của Chính phủ Việt Nam.

Nhìn lại cả quá trình xây dựng luật có thể thấy, Luật DN 1999 đã thay đổi toàn bộ, căn bản triết lý và khung tư duy của Luật DN tư nhân và Luật Công ty (1991) - những luật đầu tiên của kinh tế thị trường Việt Nam - với nội dung khá sơ sài, tinh thần triết lý bao trùm là “đã kinh doanh, phải xin phép” và “có phép mới được quyền kinh doanh, trong đó phép không chỉ là giấy phép mà còn phải được sự đồng ý của công chức nhà nước có thẩm quyền. Những thay đổi điển hình là bỏ giai đoạn xin phép thành lập, chỉ đăng ký kinh doanh với thủ tục đơn giản, bỏ chế độ “làm gì cũng phải xin phép”, nhờ đó bỏ được hàng nghìn “giấy phép không tên” và bãi bỏ được cả những giấy phép “có tên” không cần thiết.

Bước tiến tiếp theo được ghi nhận trong Luật DN 2005, nếu như Luật DN tư nhân và Luật Công ty (1991), Luật DN 1999 chỉ áp dụng đối với DN của tư nhân trong nước thì Luật DN 2005 đã mở rộng đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh, thống nhất áp dụng cho cả DNNN, DN có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời thừa nhận và bổ sung thêm công ty TNHH MTV là cá nhân, thu hẹp thẩm quyền ban hành quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tương ứng.

Tiếp tục tinh thần cải cách của các phiên bản trước đó, đến Luật DN 2014 đã có thêm một số cải cách theo xu hướng tốt hơn. Cụ thể, TS. Nguyễn Đình Cung chỉ rõ, Luật DN 2014 đã quy định cụ thể danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ Quốc hội mới có quyền quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội ban hành điều kiện kinh doanh tương ứng. Đồng thời, Luật DN 2014 bỏ ghi ngành nghề kinh doanh và bỏ yêu cầu bắt buộc có con dấu…

Có thể nói, sau Luật DN 1999 tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về quy định pháp luật liên quan đến quyền kinh doanh, các lần sửa đổi, bổ sung Luật DN 2005, 2014 đều tập trung chủ yếu vào sửa đổi những khó khăn, vướng mắc về thực tiễn của hoạt động quản lý nhà nước, thủ tục hành chính để DN tiếp cận được thị trường. Những thay đổi đã đem lại kết quả tích cực cho môi trường kinh doanh.

Cần tiếp tục cải thiệnmôi trường pháp lýcho doanh nghiệp

Tuy nhiên, khi đề cập đến những vấn đề trong thực hiện Luật DN trong 20 năm qua, chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc thiết kế và ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật còn chậm, có những nội dung chưa phù hợp, quy trình tham vấn DN chưa đáp ứng yêu cầu. Còn có sự nhận thức, hiểu và hành xử khác nhau, thiếu sự phối hợp trong thực hiện Luật DN giữa các cơ quan, địa phương. Cùng với đó, nhiều vấn đề liên quan đến các văn bản pháp luật khác chưa được điều chỉnh tương thích, thậm chí việc đưa thêm các điều kiện kinh doanh còn làm khó cho DN. Nhưng khó nhất trong xây dựng và thực thi Luật DN, theo chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan, vẫn là ứng phó với vấn đề lợi ích nhóm.

Cho rằng các DN đã liên tục được gia tăng quyền tự do kinh doanh nhưng ít nhiều vẫn bị hạn chế bởi một số quy hoạch bất hợp lý, một số ngành nghề vẫn áp dụng nguyên tắc để kiểm soát, TS. Nguyễn Đình Cung cũng đồng thời nêu rõ, chi phí tuân thủ tuy có giảm đáng kể nhưng vẫn còn cao, điều này thể hiện qua kết quả điều tra và báo cáo PCI hằng năm. Hơn nữa, việc giảm chi phí tuân thủ chủ yếu được thực hiện theo từng đợt cải cách thủ tục hành chính mà chưa có định chế phù hợp để giảm chi phí tuân thủ một cách có hệ thống.

“Tăng tính an toàn và giảm rủi ro trong kinh doanh cũng có cải thiện so với trước, nhưng cảm nhận có được từ thu thập thông tin, xem xét cách thức soạn thảo và thực thi pháp luật, khảo sát thực tế… thì đầu tư kinh doanh chưa an toàn, rủi ro chính sách, pháp luật và thực thi còn cao và phức tạp” - TS. Cung nhận xét. Điều này khiến cho DN khó tiên liệu trước được trong tuân thủ pháp luật. Một trong những điểm chưa thành công của Luật DN là “hậu kiểm” chưa rõ ràng, khiến cho DN thiếu công cụ đáng tin cậy để bảo vệ lợi ích của mình và Luật DN cũng chưa đưa ra được khuôn khổ tốt để quy định hoạt động của DNNN.

Đưa ra bài học trong xây dựng và thực thi Luật DN, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tham vấn. Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, trong quá trình làm luật cần phải đánh giá tác động, nghiên cứu thực tiễn, đồng thời phải tham vấn chuyên gia trong nước và quốc tế, mỗi đạo luật liên quan đến ngành nghề nào phải tham vấn chuyên gia hàng đầu trong ngành nghề đó, cũng như phải tham vấn cả các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng…
         
Theo các chuyên gia, bài học xây dựng Luật DN 2005 cần phải được nhân rộng khi mà Ban Soạn thảo đã tham vấn và tiến hành đánh giá dự báo tác động pháp luật (phương pháp RIA), dự báo tác động kinh tế, rà soát 800 văn bản pháp quy liên quan để đề nghị sửa đổi, bổ sung những quy định cần thiết cho tương thích…
H.THOAN