Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017: Đã chuyển biến trong thu ngân sách nhà nước nhưng còn hạn chế, bất cập

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:05, 26/11/2019

(BKTO) - Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 của KTNN cho biết, quyết toán thu NSNN năm 2017 là 1.293.627 tỷ đồng, tăng 6,7% (81.447 tỷ đồng) so với dự toán giao, bằng 116,8% thực hiện năm 2016 và đạt mức tăng cao nhất so với 2 năm trước đó, cụ thể, năm 2016 tăng 10,9% và năm 2015 tăng 15,1%. Tuy nhiên, KTNN cũng phân tích và chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong công tác thu và quản lý thu NSNN.



Qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong công tác thu và quản lý thu NSNN năm 2017. Ảnh: TTXVN

Thu nội địa tăng dần nhưng chưa đạt mục tiêu

Theo KTNN, kết quả tăng thu NSNN năm 2017 chủ yếu từ tiền sử dụng đất (61.713 tỷ đồng) và từ lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại DN (15.201 tỷ đồng). Nếu loại trừ dầu thô, tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết thì thu nội địa chỉ đạt 885.881 tỷ đồng, bằng 98,15% dự toán giao (dự toán giao 902.580 tỷ đồng). Nhưng nếu chỉ trừ dầu thô, thu nội địa đạt 1.039.192 tỷ đồng, bằng 104,9% dự toán, tương ứng thu NSNN tăng 48.912 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, KTNN ghi nhận và đánh giá, cơ cấu thu NSNN đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ thu nội địa (không kể dầu thô) tăng dần theo từng năm. Nếu như năm 2014, tỷ lệ này chỉ đạt 68,5% thì năm 2015 đã tăng lên 75,1%; năm 2016 là 80,1% và năm 2017 là 80,3%.

Ngoài ra, qua kiểm toán đã phát hiện trong thu nội địa năm 2017 còn một số khoản thu nộp trước thời hạn phải nộp theo quy định 12.860,6 tỷ đồng. Nguyên nhân là do một số DN nộp thuế Bảo vệ môi trường, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập DN của kỳ thuế tháng 12/2017 vào tháng 12/2017, trước khi nộp tờ khai thuế theo quy định phải nộp vào tháng 01/2018. Một số DN nộp lợi nhuận sau thuế của tháng 11, 12/2017 và quý IV/2017 vào tháng 12/2017, trong khi quy định tại khoản 1, Điều 5 Thông tư số 61/2016/TT-BTC là phải nộp vào tháng 01/2018 và ngày 31/3/2018. Cùng với đó, KTNN phát hiện khoản thu từ Quỹ Viễn thông công ích 1.000 tỷ đồng chưa phù hợp với Điều 20, Điều 22 của Luật Viễn thông và mục II Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu loại trừ khoản thu trên thì thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) chỉ là 872.021 tỷ đồng, đạt 96,6% dự toán.

Tình trạng các tổ chức, đơn vị, người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập DN và các khoản phải nộp khác vẫn diễn ra và chậm được khắc phục. Cụ thể qua kiểm toán, KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 19.858 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn Dầu khí phải tăng nộp 5.773 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ 1.768 tỷ đồng; Tổng công ty Thép Việt Nam 572 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực 542 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp 861 tỷ đồng… Đặc biệt, qua đối chiếu thuế 3.171 DN ngoài quốc doanh tại 49 địa phương, KTNN xác định có 2.921 DN (chiếm 92,1%) phải tăng nộp NSNN tổng cộng 1.635 tỷ đồng.

Cần tăng cường quản lý để tránh thất thu thuế

Đánh giá về công tác quản lý thu, chống thất thu thuế, KTNN nêu rõ, việc quản lý thu NSNN tại một số cơ quan thuế còn tình trạng chưa quản lý thu thuế đầy đủ đối với hoạt động xây dựng nhà ở tư nhân; chưa yêu cầu DNNN nộp chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ và nộp số dư Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển DN theo quy định; miễn, giảm thuế trong lĩnh vực xã hội hóa chưa đảm bảo điều kiện theo quy định.

Một số cơ quan thuế địa phương còn chậm tính và phát hành thông báo tiền thuê đất để thu nộp vào NSNN hoặc xác định tiền thuê đất chưa theo mục đích, vị trí sử dụng đất; thuê đất nhiều năm nhưng chưa lập bộ, quản lý tiền thuê đất. Cùng với đó là tình trạng chất lượng đánh giá rủi ro qua phân tích hồ sơ kê khai thuế của DN để xác định DN cần kiểm tra chưa cao; xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra không phù hợp quy định của pháp luật; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế qua kết quả thanh tra, kiểm tra còn thiếu sót; thanh tra, kiểm tra ngoài phạm vi tại quyết định…

Theo KTNN, việc quản lý thu NSNN tại một số cơ quan hải quan còn hạn chế, như: chấp nhận giá tính thuế của mặt hàng quặng sắt xuất khẩu chưa phù hợp quy định dẫn đến tính thiếu thuế xuất nhập khẩu, xác định mã hàng chưa phù hợp quy định về phân loại hàng hóa, xác định DN thực hiện nhập khẩu ô tô theo hình thức biếu tặng chưa phù hợp.

Ngoài ra, các đơn vị chậm xác định số tiền còn lại (3.949 tỷ đồng) để nộp vào ngân sách T.Ư kịp thời đối với các khoản thu bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dư đến ngày 31/12/2017 trên tài khoản tạm thu, tạm giữ theo quy định tại mục k, khoản 1, Điều 35 Luật NSNN năm 2015 và khoản 1, Điều 48 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Về công tác quản lý nợ thuế, tổng số nợ thuế do ngành thuế quản lý tính đến ngày 31/12/2017 là 82.659 tỷ đồng, tăng 0,8% so với năm 2016. Trong đó, nợ có khả năng thu giảm 12,5%; nợ khó thu tăng 26%; nợ chờ xử lý tăng 9%. Qua kiểm toán cho thấy, mặc dù tỷ trọng nợ thuế so với thu nội địa (trừ dầu thô) giảm so với các năm trước song hầu hết các địa phương có dư nợ khó thu tăng, trong đó có địa phương tăng tới 170,6%; cá biệt có địa phương tăng tới 289%. Số nợ thuế đến ngày 31/12/2017 bằng 8,5% số thực thu NSNN năm 2017, không đạt mức phấn đấu là 5% theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể có 55/63 địa phương không đạt mức phấn đấu, đặc biệt có 6 địa phương có tỷ lệ dư nợ thuế trên 20%.

KTNN cũng nêu rõ, có 31/49 cục thuế được kiểm toán đã tổng hợp chưa đầy đủ số liệu nợ đọng thuế 4.130 tỷ đồng. Ngoài các nguyên nhân do tình hình kinh doanh khó khăn, thua lỗ, không chấp hành, chây ỳ, nợ thuế kéo dài thì công tác đôn đốc thu nợ thuế của cơ quan thuế tại một số địa phương chưa quyết liệt, áp dụng các biện pháp cưỡng chế chưa kịp thời, triệt để. Một số cơ quan thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu của ngành về thu hồi nợ đối với các khoản nợ thuế có khả năng thu; phân loại nợ chưa chính xác.

Liên quan đến nợ thuế do ngành hải quan quản lý, KTNN xác nhận nợ quá hạn đến ngày 31/12/2017 là 6.836 tỷ đồng, giảm 7,7% so với năm 2016, bằng 2,3% số thu ngành hải quan năm 2017. Tuy nhiên, còn 11/36 cục hải quan có số nợ đọng thuế chuyên thu quá hạn tăng so với năm 2016.
PHÚC KHANG