DN đầu tư cho giáo dục, khoa học là trách nhiệm với đất nước

Đối nội - Ngày đăng : 15:50, 26/11/2019

(BKTO) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh khi dự “lễ ra mắt kép” Trường đại học (ĐH) Phenikaa và Quỹ Đổi mới sáng tạo Phenikaa hoạt động không vì lợi nhuận, sáng 26/11.



Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trường ĐH phải có cơ sở vật chất xứng tầm thì mới thu hút được những người giỏi về giảng dạy, nghiên cứu. Ảnh: VGP/Đình Nam

TS. Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Phenikaa, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Phenikaa, Chủ tịch Quỹ Đổi mới sáng tạo Phenikaa cho biết trường hướng tới mục tiêu trở thành một trường ĐH đa ngành, xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu, khởi nghiệp và hướng nghiệp, nơi đánh thức và hiện thực hóa tiềm năng; gắn kết chặt chẽ với nhu cầu phát triển và tạo ra giá trị mới cho cộng đồng. Trường phấn đấu hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Tốp 100 trường ĐH xuất sắc nhất châu Á trong vòng 20 năm.

Trường ĐH Phenikaa có diện tích gần 14 ha, tọa lạc tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, được xây dựng theo mô hình ĐH xanh bao gồm việc thiết kế kiến trúc, cảnh quan, cơ sở vật chất “xanh” và các trang thiết bị đào tạo-nghiên cứu hiện đại.

Nhân dịp này, Tập đoàn Phenikaa đã công bố việc thành lập Quỹ Đổi mới sáng tạo Phenikaa với mức đầu tư ban đầu là 1.000 tỷ đồng được trích từ lợi nhuận sau thuế.

Với cam kết hỗ trợ không hoàn lại, Quỹ Phenikaa mong muốn khơi dậy nguồn cảm hứng, tạo tiền đề cho các nhà nghiên cứu khoa học nuôi dưỡng đam mê và tự tin dấn thân trên con đường khoa học để đổi mới sáng tạo; đồng thời tham gia hỗ trợ các start-up liên quan đến đổi mới sáng tạo và công nghệ để khởi đầu hành trình mới trong kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ (KHCN) một cách thuận lợi.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh KHCN là yếu tố không thể thiếu đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều cùng đua tranh trong phát triển nguồn nhân lực, tiềm lực sáng tạo của từng người dân, trở thành địa điểm hấp dẫn nhất, thu hút những người tài năng, mang những thành tựu KHCN lớn nhất phục vụ cho phát triển đất nước mình. Để tận dụng được thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chắc chắn chúng ta phải phát triển mạnh mẽ hơn công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với đó thay đổi hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy sự sáng tạo trong từng người Việt Nam.

Những năm qua, nhất là sau khi Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được ban hành, công tác đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia ở Việt Nam đã đạt được kết quả ban đầu. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam lần lượt vươn lên thứ 47, thứ 45 và năm 2019 là thứ 42 trên thế giới. Việc thực hiện tự chủ ở một số trường ĐH, vừa được luật hoá trong Luật Giáo dục ĐH, đã góp phần thay đổi hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường ĐH. Trong 5 năm qua, số nghiên cứu công bố quốc tế của Việt Nam tăng rất nhanh, phần nhiều từ các trường ĐH.

Ngoài những trường ĐH mạnh về nghiên cứu lâu nay như ĐH quốc gia Hà Nội, ĐH quốc gia TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội thì đã xuất hiện những điểm sáng mới. Trong 20 trường ĐH đứng đầu về nghiên cứu công bố quốc tế ở Việt Nam đã có 4 trường ngoài công lập.

“Đây là hướng đi hết sức cần thiết, phải thúc đẩy. ĐH không chỉ là nơi phổ biến tri thức mà phải tạo ra tri thức. ĐH không chỉ dạy mọi người biết cách tiếp thu công nghệ mà phải góp phần sáng tạo ra công nghệ”, Phó Thủ tướng nói.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Theo Phó Thủ tướng, nhiều năm qua chúng ta đã có chủ trương phát triển giáo dục ĐH ngoài công lập. Tuy nhiên, phần nhiều các trường này được ra đời từ tâm huyết của các cán bộ khoa học, đào tạo sau khi nghỉ hưu với số vốn đầu tư tương đối ít ỏi, vì vậy, rất khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn thu chủ yếu từ học phí để duy trì, rồi mới hướng tới phát triển.

Với chủ trương khuyến khích DN đầu tư vào phát triển giáo dục và khoa học, trước hết là giáo dục ĐH, dạy nghề, đến nay đã có 4 trường ĐH ngoài công lập được đầu tư trên 1.000 tỷ đồng với mục tiêu trong vài chục năm nữa có thể đứng ngang với các trường ĐH lớn trong khu vực và vươn ra thế giới. Điều đáng quý là những trường ĐH này hoạt động không vì lợi nhuận.

“Trường ĐH phải có cơ sở vật chất xứng tầm thì mới thu hút được những người giỏi về giảng dạy, nghiên cứu. Đây không chỉ là lợi ích của DN mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng, đất nước. Không có những DN lớn đầu tư, giáo dục ĐH, nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH sẽ không có được những bước nhảy vọt và phát triển nhanh hơn”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Khẳng định vai trò trung tâm của DN trong đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, nhiều DN đã tập trung đầu tư cho KHCN nhưng mới chỉ phục vụ trực tiếp cho chính DN của mình. Do đó, sự ra đời của Quỹ Đổi mới sáng tạo Phenikaa hoạt động không vì lợi nhuận, sẽ thêm “một cánh tay nâng đỡ” cho các ý tưởng sáng tạo, đặc biệt của những bạn sinh viên, những người trẻ muốn dấn thân. Từ đó sẽ mở ra một hướng mới để các DN thành công khác dành một phần kinh phí thiết lập những quỹ đầu tư cho khoa học, cho sáng tạo không vì lợi nhuận, không chỉ phục vụ cho chính DN của mình.

“Đấy là cách đóng góp hiệu quả, rất cần thiết để, các DN cùng với Nhà nước, cộng đồng khơi dậy sự sáng tạo, đam mê khoa học trong từng con người, từng nhà khoa học Việt Nam. Truyền cho các bạn trẻ cảm hứng cùng phát triển tiềm năng của mỗi cá nhân. Đất nước chỉ có thể giàu mạnh nếu mỗi người, từ những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, người bình thường đến những doanh nhân thành đạt, đều góp sức, góp của không vì lợi nhuận, không vì riêng mình mà vì đất nước”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Đình Nam
baochinhphu.vn