Bắc Kạn: Nhiều khó khăn trong phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Xã hội - Ngày đăng : 14:40, 27/11/2019

(BKTO)- Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm trên 80%, phát triển công nghiệp còn hạn chế, chủ yếu là các DN có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, mùa vụ, sử dụng ít lao động… nên việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn nhiều khó khăn, nhất là công tác thu, phát triển đối tượng tham gia và chi trả chế độ BHXH.


Số người tham gia BHXH bắt buộc tăng chậm

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 840 DN đang hoạt động. Nhìn chung, hoạt động của DN tỉnh còn nhiều khó khăn, chủ yếu là DN xây dựng cơ bản, thiếu việc làm; số DN đăng ký thành lập mới ít, số DN ngừng hoạt động, giải thể gia tăng (9 tháng đầu năm 2019 có 48 DN thành lập mới, 34 DN ngừng hoạt động, 07 DN giải thể). Hiệu quả hoạt động của DN chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều DN vẫn còn để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Với những khó khăn trên nên mặc dù rất tích cực triển khai các biện pháp phát triển đối tượng tham gia nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tăng rất ít.

Cụ thể, năm 2016, số người tham gia BHXH bắt buộc là 23.116 người, chiếm 11,93% so với lực lượng lao động của tỉnh; năm 2017 là 23.356 người, chiếm 12,07% so với lực lượng lao động, tăng 240 người so với năm 2016; năm 2018, số tham gia BHXH bắt buộc là 23.785 người, chiếm 12% so với lực lượng lao động và tăng 429 người so với năm 2017.

Đáng chú ý, đến hết tháng 9/2019, toàn tỉnh có 22.299 người tham gia BHXH bắt buộc, giảm 1.486 người so với năm 2018.

Nguyên nhân dẫn đến chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn tỉnh chưa đạt yêu cầu và giảm so với cùng kỳ năm 2018 là do giảm đối tượng cán bộ không chuyên trách cấp xã tham gia BHXH bắt buộc theo Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; khối hành chính sự nghiệp, đảng, đoàn thể tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế...

Bên cạnh đó, các DN hoạt động không ổn định, gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất kinh doanh, nhiều DN nợ đọng thực hiện cắt giảm lao động. Đặc biệt, nhiều DN, hợp tác xã có phát sinh dữ liệu thuế nhưng khi đến kiểm tra thì không hoạt động hoặc có trường hợp người lao động có tên trên dữ liệu quyết toán thuế nhưng chưa tham gia đóng BHXH.

Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các DN còn gặp khó khăn do DN chỉ cung cấp hồ sơ, tài liệu (hợp đồng lao động) đối với những người lao động đã tham gia BHXH mà không cung cấp đầy đủ các hồ sơ của người lao động chưa tham gia nên rất khó khăn trong việc khai thác phát triển đối tượng tham gia; công tác tuyên truyền về chính sách BHXH đến người lao động, các DN, người dân còn hạn chế; một số cấp ủy chính quyền địa phương chưa phối hợp tốt trong công tác tuyên truyền…

Hơn 200 DN chưa tham gia BHXH cho người lao động

Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn, thực tế cho thấy vẫn còn những khoảng trống và các đối tượng tiềm năng có thể tham gia BHXH. Theo đó, qua khai thác dữ liệu về các DN do Sở Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan Thuế cung cấp, cơ quan BHXH tỉnh phát hiện hiện nay có 203 DN chưa tham gia BHXH cho người lao động và 39 DN chưa đóng đủ BHXH cho số người thuộc diện tham gia.
                
   

Nhiều DN trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chưa tham gia BHXH cho người lao động- Ảnh: BHXH Bắc Kạn

   

Bên cạnh đó, người lao động giúp việc gia đình, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng chưa tham gia BHXH là những đối tượng tiềm năng có thể tham gia BHXH trên địa bàn.

Đồng thời, trên địa bàn tỉnh hiện cũng xuất hiện nhiều loại hình lao động, quan hệ lao động mới, trong đó người sử dụng lao động và người lao động hợp tác với nhau không dựa trên các quy định truyền thống (theo hợp đồng lao động và làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, …) mà họ giao tiếp với nhau chỉ bằng hợp đồng viết tay, điển hình là nhóm lao động phi chính thức như nhóm cộng tác viên bưu điện hay dịch vụ viễn thông, nhóm dịch vụ vận chuyển hàng hóa…, nhiều người làm việc không chọn thời gian. Trong khi đó, theo quy định hiện hành thì chính sách chưa “chạm” tới nhóm đối tượng này.

Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Lý Thái Hải cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp như: nâng cao nhận thức về chính sách BHXH; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH, tính tuân thủ pháp luật thông qua thực hiện đồng bộ các biện pháp hành chính, kinh tế, tư pháp để tăng số người tham gia BHXH đi đôi với chú trọng tăng số người thụ hưởng quyền lợi.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH; thực hiện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN… Đồng thời, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội về chính sách BHXH…

Từ thực tế triển khai chính sách tại địa phương, UBND tỉnh Bắc Kạn đề xuất, cần áp dụng BHXH bắt buộc đối với các đối tượng như: người quản lý DN không hưởng lương, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương, chủ hộ kinh doanh, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Đồng thời, cần nghiên cứu ban hành chính sách đối với các loại hình lao động, quan hệ lao động mới phát sinh như nhóm lao động phi chính thức cộng tác viên bưu điện hay là của dịch vụ viễn thông, nhóm dịch vụ vận chuyển hàng hóa…

N. KIM