Tiếp tục tăng cường nguồn lực cho giảm nghèo bền vững

Đối nội - Ngày đăng : 07:05, 14/05/2015

(BKTO) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết, đánh giá 6 năm thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo (Nghị quyết 30a). Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tại Hội nghị nêu rõ, Nghị quyết 30a là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; tạo được sự đồng thuận cao, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và đã huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành cùng xã hội, cộng đồng dân cư tham gia với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao.



hủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Trong 6 năm tổ chức thực hiện, nguồn lực phân bổ và huy động hỗ trợ các huyện nghèo (chưa kể kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo chung như mua thẻ Bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ nhà ở…) là 20.189 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 17.051 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2.000 tỷ đồng, hỗ trợ của các DN là 3.138 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 62 huyện nghèo đã giảm xuống còn 35% theo chuẩn nghèo cũ (bình quân giảm 5%/năm), đạt mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức dưới 40%. Trong giai đoạn 2011-2014, các huyện nghèo cơ bản đều đạt mức giảm bình quân khoảng 6%/năm, cao hơn mục tiêu 4% của Nghị quyết 30a. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 đặt mục tiêu đến cuối năm 2015 có 10% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Đến nay, theo đánh giá sơ bộ, đã có 8/62 huyện (chiếm hơn 12%) có tỷ lệ hộ nghèo ngang bằng hoặc thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh gồm huyện Tân Uyên (20,09%), huyện Than Uyên (19,00%) thuộc tỉnh Lai Châu; huyện Quỳnh Nhai (25,88%), huyện Phù Yên (20,38%) thuộc tỉnh Sơn La; huyện Ba Bể (18,04%) thuộc tỉnh Bắc Kạn; huyện Bá Thước (18,29%) và huyện Thường Xuân (22,89%) thuộc tỉnh Thanh Hóa; huyện Đam Rông (9,65%) thuộc tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2014, tỷ lệ nghèo bình quân của 62 huyện nghèo còn cao gấp 5,5 lần so với tỷ lệ bình quân của cả nước.

Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là con số “quá lớn” và “rất xót ruột”. Tại một số huyện, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao trên 50%, cá biệt có huyện cao trên 60-70%. Điều này cho thấy kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo tăng; số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo chung tại các huyện nghèo (do trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số); hệ thống cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và địa phương, cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm....

Trước thực tế nêu trên, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Hoàng Thị Hạnh kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sự liên kết vùng, khu vực; làm tốt hơn nữa công tác đào tạo và bố trí cán bộ tại chỗ; tạo các điều kiện thuận lợi, xây dựng cơ chế mở để thu hút DN về đầu tư vào những huyện nghèo…

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Danh Út và một số lãnh đạo Bộ, ngành nêu lên một số hạn chế của Chương trình như tình trạng chính sách còn chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, nội dung, địa bàn; việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động ở các huyện nghèo còn nhiều điểm chưa phù hợp; cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các tổ chức đoàn thể trong thực hiện chính sách giảm nghèo; thực hiện hiệu quả các giải pháp chống tái nghèo; nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt trong công tác giảm nghèo; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập quán canh tác phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, lợi thế của vùng miền…

Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng - Thành viên Ban chỉ đạo TW về giảm nghèo bền vững cho rằng: Để nâng cao hiệu quả tín dụng trong thời gian tới, Chính phủ cần sớm ban hành quy chế cho vay đối với hộ mới thoát nghèo để số hộ này ổn định cuộc sống, đảm bảo giảm nghèo bền vững. Đồng thời, Chính phủ cần giảm lãi suất cho vay hộ nghèo để NHCSXH tập trung nguồn lực cho vay hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn...

Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu NHCSXH tăng doanh số cho vay từ 6% hiện nay lên 10% và mở rộng đối tượng cho vay để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo làm kinh tế.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh giảm nghèo nhanh và bền vững là một nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo. Tinh thần chung trong thời gian tới là phải thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 30a để tập trung giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo nhất, khó khăn nhất của cả nước.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách theo hướng chính sách nào trùng lặp, kém hiệu quả thì loại bỏ; những chính sách nào đúng, phù hợp thì tiếp tục khẳng định; chính sách nào thấy cần bổ sung để làm tốt hơn thì tiến hành bổ sung. Trong khi bổ sung chính sách cần đặc biệt chú ý đến những vấn đề liên quan đến giao khoán, bảo vệ rừng, chính sách khuyến khích trồng rừng đi liền với việc sắp xếp lại các nông lâm trường theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Thủ tướng cũng lưu ý cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích DN đầu tư vào các huyện khó khăn cũng như tạo điều kiện để DN tiêu thụ các sản phẩm của vùng khó khăn. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục cân đối, đảm bảo tăng cường nguồn lực của Trung ương trong trung hạn dành cho chương trình; đề nghị các địa phương cũng quan tâm dành nguồn lực của địa phương theo thẩm quyền cho thực hiện chương trình giảm nghèo; lồng ghép hiệu quả chương trình giảm nghèo với các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội khác, kiểm soát tốt các nguồn lực đầu tư. Thủ tướng đặc biệt lưu ý các Bộ, ngành, địa phương phải làm tốt việc kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ, xử lý những vướng mắc phát sinh.

THÙY ANH