20 năm cải cách kế toán Việt Nam: Đưa hoạt động kế toán vào nề nếp

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 08:05, 14/05/2015

(BKTO) - 20 năm qua, hệ thống kế toán đã trở thành công cụđể Nhà nước thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát; góp phần tích cực trong việcthực hiện công tác kiểm toán; giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thu nộp NSNN, tạocơ chế công khai, minh bạch các Báo cáo tài chính.. Tuy nhiên, do yêu cầu củatình hình mới, Luật Kế toán cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.



Mục tiêu đến năm 2020 sẽ tạo lập hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nềnkinh tế thị trường, dần tiệm cận với thông lệ quốc tế. Ảnh: T.K
Tại Hội nghị 20 năm cải cách kế toán Việt Nam (1995-2015) do Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) tổ chức, PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch VAA đã điểm lại một số kết quả chính. Hệ thống kế toán Việt Nam cải cách đã được ban hành theo Quyết định số 1141/TC/QĐ/CĐKT ngày 1/11/1995 về chế độ kế toán DN của Bộ Tài chính, có hiệu lực áp dụng trong cả nước từ niên độ kế toán 1996. Đây là hệ thống chế độ kế toán DN thể hiện tư tưởng cải cách triệt để, toàn diện hệ thống kế toán Việt Nam, mở đầu bước phát triển mới của kế toán Việt Nam trong cơ chế thị trường. Theo ông Thanh, giá trị khoa học, tính thực tiễn, tính hiện đại của hệ thống kế toán DN được nhìn nhận trên một số khía cạnh: Đổi mới căn bản nhận thức về bản chất và chức năng kế toán trong kinh tế thị trường; Xác định chuẩn xác hơn, phù hợp hơn các đối tượng sử dụng thông tin kế toán trong cơ chế quản lý kinh tế mới; Xác định rõ hơn, đầy đủ hơn yêu cầu mới của hệ thống kế toán, hệ thống kế toán phải dễ làm, dễ hiểu; minh bạch, công khai; dễ kiểm tra, dễ kiểm soát; Tôn trọng đẳng thức căn bản mang tính tổng quát của kế toán; Phản ánh và giải quyết nguồn vốn của DN theo cơ cấu, theo sự bố trí, sắp xếp và sự biến động của kinh tế thị trường và Luật Thương mại…

Có thể nói việc cải cách hệ thống kế toán Việt Nam đã tạo tiền đề để kế toán Việt Nam phát triển trong thời gian qua. Trên cơ sở nền tảng hệ thống kế toán đó, Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập đã được ban hành. Đồng thời, dịch vụ kế toán đã phát triển; Hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán được thành lập và được cơ quan quản lý Nhà nước chuyển giao một số chức năng quản lý cho Hội. Việc cải cách hệ thống kế toán của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và giúp Việt Nam đủ điều kiện để trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thành viên Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và sắp tới là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); Việt Nam đã trở thành thành viên của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), thành viên Liên đoàn kế toán các nước ASEAN (AFA). Cũng trên cơ sở hệ thống kế toán Việt Nam, Việt Nam đã hình thành 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán độc lập, kiểm toán Nhà nước và kiểm toán nội bộ). Việt Nam đã biên dịch các chuẩn mực kế toán quốc tế để vận dụng phù hợp với đặc thù của Việt Nam; hiện nay Việt Nam đã tham gia tích cực với các nước thuộc AFA để xây dựng chuẩn mực kế toán ASEAN... Về vấn đề này, PGS.TS Nghiêm Văn Lợi - Trưởng khoa Kế toán, Đại học Lao động Xã hội cho rằng, hệ thống kế toán Việt Nam cần được cải cách mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng yêu cầu hội nhập, nhất là khi Việt Nam sắp tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Đặng Thái Hùng - Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính nhấn mạnh: Trong hai thập niên qua, việc ban hành Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập và hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế đã đưa hoạt động kế toán vào nề nếp. Tuy nhiên tới đây, Luật Kế toán 2003 sẽ được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Chiến lược phát triển kế toán kiểm toán Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 là tạo lập hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, dần tiệm cận với thông lệ quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ có một hệ thống kế toán, kiểm toán của nền kinh tế thị trường, tương đồng với thông lệ quốc tế. Cụ thể, trong Dự thảo Luật Kế toán 2003 sửa đổi sẽ thay thế nguyên tắc giá gốc bằng nguyên tắc hạch toán theo giá trị hợp lý. Đây sẽ là cơ sở để Bộ Tài chính cập nhật các chuẩn mực kế toán, ban hành thêm các chuẩn mực mới, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Để chuẩn mực kế toán và chuẩn mực báo cáo tài chính tương đồng với chuẩn mực quốc tế, Bộ Tài chính dự kiến sẽ áp dụng chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế trước tiên với khối DN niêm yết; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số DN có nhu cầu áp dụng.

Tại Hội nghị, một số hội nghề nghiệp trên thế giới như Hội Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) đã chia sẻ kinh nghiệm về việc áp dụng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với hội viên tại Anh; Hiệp hội kế toán quản trị Công chứng Anh quốc (CIMA) đã có bài thuyết trình về vai trò của kế toán quản trị trong thời kỳ mới mà CIMA đang triển khai tại Việt Nam.

CHÂU ANH