Sửa khái niệm doanh nghiệp nhà nước: Lo ngại cản trở mục tiêu cổ phần hóa
Đối nội - Ngày đăng : 08:15, 03/12/2019
(BKTO) - Tại Dự thảo Luật DN (sửa đổi) trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định về DNNN nhằm thể chế hóa quan điểm tại Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại việc sửa đổi quy định này có thể làm ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa DNNN vốn đang rất chậm trễ.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu ý kiến về Dự thảo Luật DN. Ảnh: TTXVN
Tác động lớn đến việc thu hút nhà đầu tư
Theo Dự thảo Luật, quy định về DNNN được sửa đổi như sau: DN có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước được cụ thể hóa bằng tiêu chí Nhà nước “sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết” của DN đó. Theo đó, DN mà Nhà nước có cổ phần, phần vốn góp chi phối là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đồng thời, sửa đổi quy định nhằm nâng cao yêu cầu về quản trị đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có sở hữu chi phối của Nhà nước theo hướng tăng mức độ kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa trong hoạt động của DN…
Thảo luận về việc sửa đổi quy định trên, đại biểu Nguyễn Văn Dành (Bình Dương) phân tích: Cổ phần hóa DNNN là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước với mục tiêu tạo ra loại hình DN có nhiều chủ sở hữu, trong đó có đông đảo người lao động để sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản của Nhà nước và huy động thêm vốn xã hội vào phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo động lực mạnh mẽ và cơ chế quản lý năng động, có hiệu quả cho DNNN; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người lao động. Theo báo cáo của Chính phủ, trong những năm qua, số lượng DNNN đã giảm mạnh. Tuy nhiên, bức tranh cổ phần hóa cho thấy tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty sau cổ phần hóa còn ở mức cao, trong đó có các DN không thuộc diện Nhà nước giữ cổ phần chi phối hoặc không còn giữ cổ phần.
Thực tế hiện nay, tỷ lệ sở hữu nhà nước trong phương án phê duyệt cổ phần hóa DNNN là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư. Các DN thu hẹp tối đa diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối luôn tạo được sức hút cho nhà đầu tư. Còn các DN được phê duyệt Nhà nước nắm giữ từ 51% cổ phần trở lên đa số đều không đạt kế hoạch.
Đại biểu Dành cho rằng, việc thay đổi cấu trúc sở hữu DNNN là yếu tố nền tảng để giải quyết vấn đề hoạt động hiệu quả của DN sau cổ phần hóa. Tuy nhiên, việc Dự thảo Luật mở rộng khái niệm DNNN vô hình trung sẽ bao gồm phần lớn các DN đã cổ phần, số lượng DNNN sẽ tăng lên, dẫn đến quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, không đạt được mục tiêu đề ra.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cũng cho rằng, việc coi DN Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ là DNNN sẽ cản trở quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN. “Thực tiễn cho thấy, khi DN cổ phần hóa mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối đã kém hấp dẫn các nhà đầu tư. Nếu coi là DNNN thì lại càng kém hấp dẫn và không thu hút được nguồn lực xã hội để phát triển sản xuất kinh doanh” - đại biểu Quang nêu quan điểm.
Cần đánh giá thận trọng,kỹ lưỡng
Đồng tình với những phân tích trên, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành quan điểm của cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ tác động của việc sửa đổi quy định về DNNN để không gây ảnh hưởng đến tiến trình và mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn của Nhà nước tại các DNNN.
Theo đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) và đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), phải đánh giá tác động cụ thể đến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp một cách toàn diện. Theo đó, phải đáp ứng yêu cầu không tác động xấu, ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa DN và thoái vốn nhà nước tại DN; thu hút vốn đầu tư tư nhân, bảo đảm được nguyên tắc tự chủ, công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình, phân biệt rạch ròi giữa quản lý nhà nước với quản trị DN; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và giám sát hoạt động của DNNN, không để tiêu cực xảy ra, thất thoát vốn và tài sản nhà nước giao cho DN.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng quản trị DNNN theo yêu cầu của Nghị quyết 12, khắc phục những bất cập trong quản lý DNNN thì cần thay đổi phạm vi điều chỉnh của các luật liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn nhà nước chứ không phải thay đổi khái niệm DNNN theo kiểu “thay đổi tên tuổi”. Theo đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng), cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định trong Luật này và các luật có liên quan đến việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đầu tư, quản lý vốn nhà nước, xem xét bổ sung trong Luật này hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) dẫn chứng, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 01/01/2018, cả nước có 1.204 DN 100% vốn nhà nước thuộc mọi cấp độ quản lý và 1.282 công ty cổ phần có cổ phần nhà nước lớn hơn 50% thuộc mọi góc độ quản lý. Trường hợp mở rộng khái niệm DNNN là DN Nhà nước nắm trên 50% vốn thì ít nhất có thêm 1.282 công ty cổ phần, tức là khoảng 2.500 DN được gọi là DNNN. Trong khi hiện có 9 luật quy định về chủ thể DNNN, trong đó nhiều luật tác động trực tiếp đến DN như: Luật Đấu thầu, Luật NSNN, Luật Quản lý tài sản công, Luật KTNN… Do đó, việc mở rộng khái niệm tác động rất lớn đến hoạt động của nhiều DN, vì vậy, đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật cần bám sát quan điểm đổi mới, đưa vào các ý tưởng, nội dung tiến bộ nhằm hỗ trợ DN phát triển với tinh thần cởi mở và minh bạch, không nên mở rộng phạm vi quy định đối với DNNN.
Đ.KHOA